Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã chung sức tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho thí sinh.
Hôm nay 9-6, hơn 105.000 thí sinh Hà Nội hoàn thành bài thi môn toán, môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập không chuyên năm học 2024-2025.
Với kỳ thi có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, đòi hỏi công tác tổ chức, nhất là khâu coi thi chặt chẽ, nghiêm túc để bảo đảm công bằng, thực chất. Để đạt mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã chung sức tổ chức kỳ thi an toàn, bảo đảm thuận lợi cho thí sinh.
Coi trọng yếu tố con người
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024-2025 diễn ra ngày 8 và 9-6 với ba môn ngữ văn, ngoại ngữ và toán. Hà Nội thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng để tổ chức kỳ thi. Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, yếu tố con người tham gia các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi được Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi ở các khâu là gần 20.000 người. Số lượng người tham gia làm nhiệm vụ lớn, đòi hỏi việc tập huấn nghiệp vụ, học quy chế thi cho các thành viên cần được thực hiện bài bản, nghiêm túc, nếu lơ là, chủ quan thì chỉ một sai sót nhỏ ở một khâu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình.
Vì thế, ngay khi nhận nhiệm vụ vào sáng 7-6, trưởng điểm của 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đều nghiêm túc tổ chức học tập quy chế cho tất cả thành viên, trong đó lưu ý kỹ về quy trình coi thi cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của người tham gia làm nhiệm vụ.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Trưởng điểm thi Trường Trung học cơ sở Dương Nội (quận Hà Đông), thông tin: Điểm thi có 32 phòng thi với 768 thí sinh, 191 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ. Bên cạnh việc quán triệt quy chế và các quy định liên quan, lãnh đạo điểm thi lưu ý các điểm mới trong quy chế thi năm nay là danh sách các vật dụng thí sinh được, không được phép mang vào phòng thi. Yêu cầu được nhấn mạnh tới cán bộ coi thi là nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy chế thi để bảo đảm công bằng cho thí sinh.
Được phân công làm cán bộ coi thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, bà Trần Thị Na, cho biết: “Dù nhiều lần đi làm nhiệm vụ, song xác định khâu coi thi có ý nghĩa rất quan trọng, tôi đã nghiên cứu kỹ quy chế, nhất là trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ coi thi và hướng dẫn liên quan để làm đúng, đủ quy trình, không tự ý giải quyết các vấn đề phát sinh. Tôi cũng nắm rõ phương án xử lý các tình huống bất thường liên quan đến thí sinh để bảo đảm quyền lợi tốt nhất, không để các em thiệt thòi”.
Em Phan Anh Đức, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), chia sẻ: "Ở nhiều thời điểm như khi gửi vật dụng tư trang, trước khi vào phòng thi, trước khi đề thi được chuyển về phòng thi, cán bộ coi thi lại nhắc nhở kỹ, đồng thời khuyến cáo nếu mang điện thoại vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi, mất cơ hội tham gia xét tuyển vào trường công lập. Sự sát sao, nghiêm túc của các thầy, cô làm nhiệm vụ đã làm gương, giúp em và các bạn trong phòng thi có ý thức chấp hành quy chế thi trong suốt ba buổi thi".
Chu đáo hỗ trợ thí sinh
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT được tổ chức hằng năm, tuy nhiên, với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao khi tỷ lệ tuyển sinh vào trường công lập khoảng hơn 61%, đòi hỏi công tác tổ chức kỳ thi cần chặt chẽ, công bằng. Để đạt mục tiêu này, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều đã chung sức chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn ở mọi khâu và thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh.
Để tổ chức thành công kỳ thi, Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà làm Trưởng ban, đã ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh với các đơn vị yêu cầu chuẩn bị chu đáo, rà soát kỹ lưỡng mọi mặt, đồng thời kiểm soát tốt tình hình, dự báo được các tình huống phát sinh với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối các khâu.
Trước ngày thi chính thức, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố, các quận, huyện, thị xã liên tục đi kiểm tra trực tiếp tại từng điểm thi, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc triển khai phương án ứng phó với các tình huống phát sinh về thiên tai, dịch bệnh hoặc các sự cố về sức khỏe của thí sinh. 12 thí sinh có vấn đề về sức khỏe đã được hỗ trợ để hoàn thành kỳ thi theo đúng nguyện vọng, trong đó có 9 thí sinh bị gãy tay, 2 em cần tiêm insulin 24/24h và 1 em bị điếc bẩm sinh.
Sở Y tế đã phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi; bố trí các điểm ứng trực tại các điểm thi... Công an thành phố tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi cách nhận diện và ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình an ninh an toàn của kỳ thi để khoanh vùng xử lý. Thành Đoàn Hà Nội huy động hơn 4.000 tình nguyện viên tham gia phân luồng giao thông, hỗ trợ thí sinh...
Trong hai ngày kỳ thi diễn ra, dù thời tiết khu vực Hà Nội diễn biến phức tạp, song tại các điểm thi không xảy ra tình trạng úng ngập; không có ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường. Hệ thống điện lưới tại các điểm thi được vận hành ổn định...
Với sự chủ động của ngành Giáo dục, sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đã hoàn thành khâu coi thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Sau khâu coi thi, còn nhiều phần việc quan trọng như chấm thi, xây dựng điểm chuẩn, công nhận trúng tuyển, tổ chức nhập học...
Kết quả ban đầu trong công tác tổ chức kỳ thi được coi là cuộc tập dượt ý nghĩa để Hà Nội có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6-2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.