Chiều nay 28-6, thí sinh ở Hà Nội hoàn thành bài thi ngoại ngữ - môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.
Chu đáo với thí sinh
Với gần 109.000 thí sinh đăng ký, Hà Nội vẫn giữ vị trí cao nhất về quy mô thí sinh so với các địa phương và bằng 1/10 tổng số thí sinh đăng ký thi của cả nước. Hà Nội đã thành lập 196 điểm thi với 4.532 phòng thi chính thức, huy động hơn 15.000 cán bộ coi thi.
Xác định kỳ thi có ý nghĩa quan trọng với thí sinh khi kết quả thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà còn được dùng để xét tuyển vào đại học, Ban chỉ đạo thi thành phố yêu cầu ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã ưu tiên các điều kiện tốt nhất và chu đáo nhất đón thí sinh dự thi tại địa bàn mình.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban Chỉ đạo thi quận cho biết, 4 trường được sử dụng làm điểm thi trên địa bàn đều có cơ sở vật chất tốt, bảo đảm các điều kiện. Dù vậy, quận vẫn đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn và đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà làm trưởng đoàn, quận đã rà soát kỹ toàn bộ các điều kiện phục vụ kỳ thi tại tất cả điểm thi.
Em Nguyễn Hồng Nhung, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) chia sẻ: “Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ điều hòa, quạt mát. Chúng em được chỉ dẫn chu đáo ngay từ cổng trường về sơ đồ phòng thi, nơi bảo quản tư trang... Em cũng yên tâm khi biết, các phụ huynh được bố trí chờ ở một trường học gần đó...”
Điều đáng ghi nhận ở Hà Nội năm nay là ý thức chấp hành quy chế thi của thí sinh. Theo báo cáo sơ bộ, tính đến 16h ngày 28-6, các điểm thi không có thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ.
“Trước mỗi buổi thi, cán bộ coi thi đều nhắc lại những nội dung cơ bản của quy chế thi, đồng thời khuyến cáo nếu mang điện thoại, tài liệu hoặc một trong các vật dụng cấm vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi. Sự sát sao, nghiêm túc của các thầy, cô giáo làm nhiệm vụ coi thi đã làm gương, giúp em và các bạn trong phòng thi có ý thức chấp hành quy chế thi trong suốt bốn buổi thi" – Vũ Bảo Nhi, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho biết.
Theo ông Trần Trí Trung, Trưởng ban Thanh tra và pháp chế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội đồng thi thành phố Hà Nội, công tác tổ chức kỳ thi của thành phố Hà Nội trong nhiều năm nay đã đi vào nền nếp, ổn định. Việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tại 196 điểm thi chu đáo, đầy đủ, đúng quy định. Đặc biệt, sự phối hợp giữa hơn 600 cán bộ kiểm tra của Bộ với cán bộ thanh tra của Sở cắm chốt tại các điểm thi rất chặt chẽ, nhất là trong việc giải quyết các tình huống phát sinh, góp phần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn.
Không chủ quan ở bất kỳ khâu nào
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi quận Hai Bà Trưng cho biết: Trên địa bàn có 8 điểm thi, 4/8 điểm thi đã được sử dụng làm điểm thi tuyển sinh lớp 10, 4 điểm thi còn lại mới được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường được sử dụng làm điểm thi đều có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ.
Với quy mô thí sinh lớn và tính chất quan trọng của kỳ thi dự báo có thể gây thêm áp lực với thí sinh trong bối cảnh thời tiết thất thường, các điểm thi đều đặc biệt chú trọng phương án chăm sóc, cấp cứu khi thí sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Bà Đỗ Thị Hạnh, nhân viên y tế Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, trước mỗi buổi thi, bà đều rà soát lại trang thiết bị và các loại thuốc tại phòng y tế; đồng thời trực đầy đủ, nghiêm túc trước, trong suốt các buổi thi, thậm chí còn nán lại đợi khi tất cả thí sinh đã rời trường mới ra về để bảo đảm không bỏ sót bất cứ trường hợp bất thường nào.
“Dù đã làm nhiệm vụ ở nhiều kỳ thi, song mỗi năm lại có nhiều điểm khác về đối tượng thí sinh, về tình hình thời tiết... Vì vậy, trước khi nhận nhiệm vụ, tôi học kỹ quy chế, ghi nhớ quy trình xử lý các tình huống bất thường và cùng y tế phường xây dựng phương án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho thí sinh...”
Bà Lưu Thị Thúy Hồng, cán bộ coi thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết: “Dù đã coi thi nhiều năm, nhưng nếu dựa vào kinh nghiệm thì dễ chủ quan và dẫn đến nguy cơ sai sót. Bài học đúc kết sau mỗi kỳ thi là cần nắm vững quy chế, ghi nhớ nguyên tắc không tự ý giải quyết các vấn đề phát sinh, đồng thời nắm nắm rõ phương án xử lý các tình huống bất thường liên quan đến thí sinh để bảo đảm quyền lợi tốt nhất, không để các em thiệt thòi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.