(HNM) - Chiều 2-5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, các tuyến đường và bến xe cửa ngõ Thủ đô đều chật cứng. Trong khi đó, các số liệu tổng quan cho thấy những vấn đề đáng lo ngại của các năm cũ vẫn diễn ra, đó là số người chết và bị thương do tai nạn giao thông còn cao.
Đường Giải Phóng ùn tắc kéo dài trong chiều 2-5. Ảnh: Lê hiếu |
Ùn tắc, nhồi nhét
Từ đầu giờ chiều 2-5, tuyến đường Vành đai 3 trên cao hướng từ Thanh Trì vào trung tâm thành phố bắt đầu đông đúc. Ô tô xếp hàng dài, di chuyển một cách chậm chạp. Tại cửa ngõ phía Nam, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến đường Ngọc Hồi, Giải Phóng dẫn vào trung tâm thành phố bị ùn ứ khá dài. Nhằm giảm tải, Đội cảnh sát giao thông (CSGT) số 14 (Công an TP Hà Nội) đã tổ chức phân làn tại khu vực Pháp Vân.
Theo đó, các phương tiện thay vì đi thẳng vào trung tâm thì phải rẽ phải vòng xuống Công viên Yên Sở, sau đó mới rẽ trái để về Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Tuy nhiên, đến 18h, đoạn từ ngã tư cầu vượt Pháp Vân xuống đường Giải Phóng vẫn ùn tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực trước cửa Bến xe Nước Ngầm và đường Trần Thủ Độ, phía sau bến xe này rất lộn xộn.
Trái ngược với cửa ngõ phía Nam, các tuyến đường như Vành đai 3, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Đại lộ Thăng Long, lượng phương tiện đổ về theo hướng Bến xe Mỹ Đình khá cao nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc. Phía đường Nguyễn Văn Linh, Ngô Gia Tự, đường 5 kéo dài dẫn về Bến xe Gia Lâm, lưu lượng dù tăng nhưng không quá khó khăn cho việc di chuyển.
Theo phản ánh của nhiều hành khách, dù các cơ quan chức năng đã yêu cầu các nhà xe không được tự ý tăng giá vé, đồng thời xử lý nghiêm các phương tiện nhồi nhét khách nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Trước việc tái diễn tình trạng nhà xe thu quá giá vé quy định và nhồi nhét khách vào các đợt cao điểm, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) khẳng định: “Chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp xử lý cần thiết, nghiêm khắc nhất với nhà xe nhồi nhét khách; kể cả lấy đó làm tiêu chí xem xét việc có chấp thuận cho nhà xe mở tuyến hoặc tiếp tục kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến đang hoạt động hay không. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, sức khỏe của người dân. Những nhà xe cố tình vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách “đen” để xử lý”.
188 người chết và bị thương do tai nạn giao thông
Theo Công an TP Hà Nội, trong thời gian 4 ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững, ổn định. Công an thành phố đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... Công an các đơn vị, địa bàn đã huy động, bố trí đầy đủ lực lượng làm nhiệm vụ, bảo đảm quân số trực ban, ứng trực. Chỉ huy các đơn vị, Công an quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu công tác đề ra. Trên địa bàn Hà Nội xảy ra 61 vụ phạm pháp hình sự, giảm 14 vụ so với 4 ngày liền trước đó; không có hoạt động tệ nạn công khai, không xảy ra đua xe và cổ vũ đua xe trái phép.
Theo tin từ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong các ngày nghỉ lễ, mỗi ngày có từ 100 đến 120 trẻ nhập viện. Dự báo, sau kỳ nghỉ lễ, số trẻ nhập viện sẽ tăng lên. Nguyên nhân là nhiều gia đình đi chơi xa, môi trường và điều kiện sống thay đổi, trong khi hệ miễn dịch của trẻ nhỏ kém, dễ mắc bệnh. Trong khi đó, theo Sở Y tế Hà Nội, trong bốn ngày nghỉ lễ, tình hình dịch bệnh ổn định và không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. |
Tuy nhiên, ở quy mô toàn quốc, nhiều số liệu được công bố cho thấy những vấn đề đáng lo ngại: Tối 2-5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ tình hình trật tự ATGT trong suốt dịp nghỉ lễ. Theo đó, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 22.190 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, nộp Kho bạc Nhà nước 11 tỷ 155 triệu đồng; tạm giữ 98 xe ô tô, 3.598 xe mô tô; tước giấy phép lái xe 1.012 trường hợp. Lực lượng CSGT đường thủy đã kiểm tra, xử lý 1.611 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 558 triệu đồng...
Đau xót nhất là cả nước xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 98 người, bị thương 90 người (so với cùng kỳ năm 2016 giảm 27 vụ, giảm 13 người chết, giảm 48 người bị thương). Còn theo tin từ Bệnh viện Việt - Đức, trong dịp nghỉ lễ, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận gần 400 bệnh nhân, trong đó có khoảng 250 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Bác sĩ Trần Hà Phương, phụ trách trực cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức cho biết, lượng bệnh nhân trong 4 ngày nghỉ lễ không tăng đột biến, nhưng số ca nặng phải mổ cấp cứu lại tăng nhiều so với ngày thường và nhiều trường hợp bị đa chấn thương, xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu cao. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện mổ cấp cứu cho hơn 30 ca nặng. Điều đáng nói, có rất nhiều ca chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã nhận 145 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); giảm nhiều so với kỳ nghỉ lễ năm 2016. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.