(HNM) - Diễn ra vào đúng thời điểm Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực (ngày 1-7-2013) và ngay trước dịp Hà Nội kỷ niệm 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2013), kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XIV có nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, trong đó có việc quyết nghị 11 Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các điều, khoản của Luật Thủ đô.
Đặc biệt, tại kỳ họp, lần đầu tiên các đại biểu HĐND TP Hà Nội thay mặt cử tri Thủ đô thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND thành phố bầu ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về nội dung quan trọng này.
- Xin Chủ tịch cho biết đánh giá chung về đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa diễn ra đối với các chức danh chủ chốt do HĐND TP Hà Nội bầu?
- Tại ngày làm việc thứ tư của kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội khóa XIII. Đây là lần đầu tiên HĐND TP Hà Nội thực hiện quyền giám sát theo quy định tại khoản 5, điều 58, Luật tổ chức HĐND và UBND, điều 56 quy chế hoạt động của HĐND. Các vị đại biểu HĐND thành phố đã thay mặt cử tri Thủ đô thực hiện quyền đánh giá tín nhiệm đối với 18 chức danh chủ chốt của thành phố đã được HĐND thành phố bầu. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, công khai, khách quan, tuân thủ đúng các quy định của Nghị quyết 35 của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh. Ảnh: Viết Thành |
- Thưa Chủ tịch, trước đó chúng ta đã làm những công việc gì để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này?
- Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm. Để các đại biểu có đầy đủ thông tin, báo cáo kết quả công tác của những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu được lấy phiếu tín nhiệm trong lần này đã được Thường trực HĐND thành phố tổng hợp, gửi tới các vị đại biểu trước ngày khai mạc kỳ họp 10 ngày và trước ngày lấy phiếu 14 ngày. Với trách nhiệm của mình trước nhân dân và cử tri Thủ đô, các vị đại biểu HĐND thành phố đã dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin, thảo luận, đánh giá cẩn trọng trước khi ghi phiếu. Nhân dịp này, qua Báo Hànộimới tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ủy ban MTTQ thành phố, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ, triển khai các công việc thuộc thẩm quyền để việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP Hà Nội đạt kết quả.
- Chủ tịch có thể cho biết những nội dung cụ thể trong báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm?
- Trong các báo cáo gửi tới các đại biểu đều thể hiện hai nội dung theo đúng hướng dẫn của Trung ương, đó là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ.
- Với cương vị là người đứng đầu HĐND thành phố, Chủ tịch có thể chia sẻ những tác động, hiệu quả thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt?
- Tôi cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là thước đo đối với người được HĐND thành phố bầu mà còn là thước đo tinh thần xây dựng, sự nghiêm túc, trách nhiệm, vì sự nghiệp chung của các vị đại biểu dân cử khi thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật.
- Cụ thể, tác dụng của công việc này đối với người được lấy phiếu tín nhiệm là như thế nào?
- Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người đang giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu thấy được mức độ tín nhiệm của mình, hiểu thêm sự đánh giá của các đại biểu đối với mình. Kết quả tín nhiệm chính là sự ghi nhận, động viên, khích lệ kịp thời đối với người có tín nhiệm cao; đồng thời là sự nhắc nhở, lưu ý đối với từng người có tín nhiệm chưa cao để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chỉ đạo điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để rút kinh nghiệm, có phương hướng tiếp tục khắc phục những tồn tại. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cán bộ nhận rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình, từ đó phấn đấu vươn lên, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động tại từng cương vị công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố.
- Có ý kiến cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “thuốc thử” chính xác nhất đối với công tác cán bộ hiện nay. Chủ tịch suy nghĩ như thế nào về điều này?
- Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan, tổ chức liên quan xem xét trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với phẩm chất, năng lực và khả năng cống hiến của mỗi người, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi các cấp có thẩm quyền đang đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ.
- Như vậy, thông qua lá phiếu, sự đánh giá của từng đại biểu đối với các chức danh chủ chốt là rất quan trọng?
- Để thực hiện thành công việc lấy phiếu tín nhiệm thì yếu tố quan trọng nhất là các đại biểu phải thực sự công tâm, khách quan trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Đồng thời cần bảo đảm quy trình lấy phiếu khoa học, khách quan, minh bạch, đặc biệt là phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về người được lấy phiếu tín nhiệm. Mặt khác, thông qua công việc này, các đại biểu HĐND thành phố một lần nữa nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền giám sát đối với những chức danh do HĐND thành phố bầu. Và đây cũng là dịp tốt để cử tri giám sát đại biểu của mình thực hiện quyền giám sát theo luật định.
- Chủ tịch có bình luận gì không khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy, những chức danh ở lĩnh vực nóng, thường xuyên va chạm với người dân lại dễ bị tín nhiệm thấp?
- Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND thành phố đã cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND thành phố, không chỉ là báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn các báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và những công việc lớn của thành phố trong thời gian qua. Tôi cho rằng, những người được lấy phiếu tín nhiệm trong đợt này đã hết sức cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ của mình, cần có sự chia sẻ với các đồng chí được lấy phiếu trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 15/QH về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, công việc bề bộn lại đúng thời điểm suy thoái kinh tế cũng có nhiều tác động. Tuy nhiên đại biểu cũng thay mặt cử tri mong muốn, đòi hỏi các vị được lấy phiếu tín nhiệm, cả HĐND và UBND phải cố gắng cao hơn nữa.
- Đây là lần đầu tiên việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND được tiến hành nên công việc này hết sức mới mẻ. Chúng ta rút ra được những điều gì, thưa Chủ tịch?
- Qua công tác chuẩn bị và việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, tôi thấy bước đầu có ba kinh nghiệm rút ra. Thứ nhất là phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, quy trình của việc lấy phiếu đến tất cả các vị đại biểu HĐND thành phố và các chức danh được lấy phiếu. Bao gồm những quy định của pháp luật trong lĩnh vực giám sát, tinh thần cơ bản Nghị quyết 35 của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cung cấp đầy đủ thông tin tới các vị đại biểu HĐND thành phố. Thứ hai, bản thân mỗi cá nhân được lấy phiếu cần phải báo cáo một cách đầy đủ, nghiêm túc, kết quả và những thiếu sót trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và các giải pháp khắc phục. Thứ ba, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, thận trọng, công tâm, khách quan của các vị đại biểu trong việc thể hiện hiệu lực giám sát đối với các chức danh chủ chốt do HĐND thành phố bầu.
- Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là hoạt động thường xuyên hằng năm của HĐND các cấp, vậy còn những vấn đề gì cần kiến nghị, thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp để đạt được kết quả tốt hơn, thưa Chủ tịch?
- Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện, chúng tôi nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm cần có hướng dẫn cụ thể hơn của Trung ương về nội dung, đề cương báo cáo. Vừa qua, Trung ương chỉ hướng dẫn hai nội dung chính về kết quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao và về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mà không có đề cương cụ thể, vì vậy không có sự thống nhất mà mỗi người làm báo cáo theo cách hiểu của mình. Ví dụ, một số báo cáo có đề xuất phương hướng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhưng có báo cáo không nêu. Về đối tượng lấy phiếu, cũng có hai loại ý kiến: Có ý kiến cho rằng nên mở rộng thành phần đến các giám đốc các sở, thủ trưởng ngành thuộc UBND thành phố và trưởng phòng chuyên môn cấp huyện; nhưng cũng có loại ý kiến đề nghị thu hẹp, không lấy phiếu tín nhiệm chức danh Trưởng ban HĐND thành phố… Ngoài ra cũng cần có quy định về thời điểm lấy phiếu trong chương trình kỳ họp: trước hay sau phiên chất vấn. Theo chúng tôi việc lấy phiếu nên thực hiện sau chất vấn vì lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát. Việc công khai kết quả lấy phiếu nên có sự thống nhất trong toàn quốc. Vừa qua HĐND TP Hà Nội thực hiện theo đúng cách làm của Quốc hội, đó là: lấy phiếu tín nhiệm trước phiên chất vấn và công khai toàn bộ kết quả trên hệ thống thông tin đại chúng của địa phương.
Thời điểm này, tất cả các địa phương đều tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nên có đánh giá tổng kết để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc lấy phiếu tín nhiệm. Mặt khác, đây là lần đầu tiên HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên không thể tránh khỏi những sơ suất, hạn chế, nhưng tôi tin rằng đây sẽ là những kinh nghiệm tốt để hoàn thiện cũng như kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện chế định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu, thể hiện đúng vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân và cử tri.
- Hiện nay có không ít người đã nhầm lẫn giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ tịch suy nghĩ như thế nào khi có những ý kiến cho rằng chỉ giữ 2 mức tín nhiệm thay vì 3 như hiện nay?
- Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm thì nên để 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay. Còn bỏ phiếu tín nhiệm thì để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.
- Vậy lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau như thế nào?
- Lấy phiếu tín nhiệm là một bước để thăm dò mức độ tín nhiệm, là một trong những căn cứ cho việc phân loại, đánh giá, bố trí cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nếu chức danh nào đó hai năm liên tục tín nhiệm thấp sẽ được chuyển sang hình thức bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm cán bộ - PV).
- Thưa Chủ tịch, để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, Đảng bộ Hà Nội đã xác định công tác cán bộ là khâu đột phá và đã quyết liệt tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh chủ chốt đã được HĐND TP Hà Nội bầu trong kỳ họp này cũng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt hiện nay?
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó Đảng bộ Hà Nội đã chọn đột phá vào khâu cán bộ. Với phương châm “chủ động, hiệu quả, khoa học”, từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, công tác cán bộ của Hà Nội đã có sự đổi mới ở nhiều khâu. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố bao gồm các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy, Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo 7 sở, ngành. Và Hà Nội coi đây là công việc thường niên khẳng định sự mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nhận xét, đánh giá cán bộ của Đảng bộ Thủ đô. Cùng với những công việc đó, kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND thành phố bầu sẽ giúp cho Hà Nội không ngừng nâng cao năng lực thực thi công vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Vâng! Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội và giờ đây là thời điểm Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, những điều đó đã tạo cho Hà Nội tầm vóc mới, vị thế mới với nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thử thách.
- Để đáp ứng với thực tế tình hình, chất lượng, năng lực đội ngũ “công bộc” của nhân dân cũng như hiệu lực của bộ máy công quyền đang đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, vai trò giám sát của đại biểu dân cử các cấp ngày càng trở nên quan trọng và cũng là yêu cầu, đòi hỏi của cử tri cả nước.
- Xin cảm ơn Chủ tịch HĐND thành phố về những nội dung trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.