Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả bầu cử Quốc hội Singapore: Vinh quang và thử thách

Minh Hiếu| 12/07/2020 07:59

(HNM) - Sáng 11-7, Cơ quan bầu cử Singapore (ELD) đã chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội nước này. Theo đó, đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long giành thắng lợi với số ghế áp đảo. Như vậy, đảng PAP sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước Singapore thêm 5 năm nữa - một nhiệm kỳ được dự đoán là vinh quang song cũng nhiều thử thách, nhất là trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, Singapore chia thành 31 đơn vị bầu cử với tổng cộng 93 ghế tại Quốc hội. Theo ELD, đảng PAP đã giành chiến thắng tại 28 đơn vị bầu cử với 83 đại biểu, chiếm 89% số ghế tại Quốc hội. Mặc dù vậy, việc chỉ nhận được 1,52 triệu phiếu bầu khiến đảng này mất 8,62% số phiếu ủng hộ so với năm 2015. Trong khi đó, đảng Công nhân Singapore do luật sư Pritam Singh lãnh đạo là đảng đối lập duy nhất nắm toàn bộ 10 ghế đại biểu còn lại với chiến thắng tại 3 đơn vị bầu cử. Đảng này đã giành hơn 279.000 phiếu, nhiều hơn 10% so với cuộc bầu cử 5 năm trước.

Kết quả bầu cử giúp đảng Hành động nhân dân của Thủ tướng Lý Hiển Long có thêm một nhiệm kỳ dẫn dắt Singapore.

Là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tổ chức bầu cử kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân Singapore năm nay chứng kiến một kỳ bầu cử đầy khác biệt với những diễn biến chưa từng có tiền lệ. Đây là kỳ bầu cử đầu tiên trong lịch sử quốc gia này thiếu vắng các hoạt động tuần hành, vận động tranh cử. Số điểm bầu cử cũng được tăng thêm 220 điểm để giảm nơi tập trung đông người. Do tình trạng ùn tắc tại nhiều điểm, ELD quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm 2 giờ, tới 22h ngày 10-7 để mọi cử tri đều có thể thực hiện quyền của mình. Tổng cộng hơn 2,5 triệu cử tri Singapore đã tham gia bỏ phiếu, tương đương 95,63% số cử tri hợp lệ.

Khi đại dịch còn diễn biến phức tạp, kinh tế Singapore rơi vào suy thoái khiến nhiều người dân mất việc làm. Giới quan sát nhận định, lá phiếu của cử tri thể hiện mức độ ủng hộ đối với chính sách của các đảng đề ra, đặc biệt trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu như việc làm, giá cả sinh hoạt và khả năng đưa đảo quốc này vượt qua cuộc khủng hoảng do Covid-19. Ngay cả trước khi dịch bệnh lây lan, Singapore cũng đã phải đối mặt với những thách thức lớn, từ dân số già hóa gây áp lực cho năng suất lao động, chi phí sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, cho đến sự chuyển dịch nhanh chóng của thương mại toàn cầu. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore dự báo, GDP của nước này có thể giảm 4%-7% trong năm nay.

Đó cũng là lý do cương lĩnh tranh cử của đảng PAP cầm quyền nhấn mạnh yếu tố đoàn kết để cùng vượt qua khủng hoảng, với khẩu hiệu “Cuộc sống, công việc và tương lai của chúng ta”. Sự ủng hộ của người dân dành cho đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng phần nào được củng cố khi Singapore được nhận định là đã có cách tiếp cận thực tế, khá hiệu quả trong ứng phó với Covid-19, đặc biệt là khi Chính phủ vừa sử dụng nguồn ngân sách dự trữ 93 tỷ SGD (66,9 tỷ USD) để giải quyết khó khăn, đồng thời tăng lương hỗ trợ, cam kết tạo ra 100.000 việc làm mới hoặc cơ hội đào tạo mới.

Tại cuộc họp báo ngày 11-7, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận tỷ lệ phiếu bầu phổ thông chưa cao như mong đợi và kết quả này phản ánh nỗi đau và sự bất định mà người dân Singapore cảm nhận được trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Sở hữu thế đa số trong Quốc hội, đảng PAP đã yên tâm và chủ động trong việc thông qua các chính sách chủ chốt cùng phương hướng phát triển thời gian tới, song cũng đứng trước áp lực phải cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Với sự dẫn dắt của PAP, Singapore đã chứng minh được sức bật lớn trong quá khứ và kết quả bầu cử hiện nay sẽ là tiền đề quan trọng để đảo quốc Sư tử tiếp tục vươn lên với một diện mạo mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết quả bầu cử Quốc hội Singapore: Vinh quang và thử thách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.