Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng

Dạ Khánh| 26/01/2023 06:21

(HNM) - Năm 2022, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ công trình xây dựng có phép tăng; số trường hợp vi phạm và quy mô vi phạm trật tự xây dựng giảm. Đặc biệt, các vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế... Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng quận Đống Đa kiểm tra công tác phá dỡ một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Nguyên Bảo

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố có 19.211 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 320 trường hợp vi phạm (tỷ lệ 1,67%), giảm 0,46% so với năm 2020. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp, số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm. Nếu năm 2016, tỷ lệ công trình vi phạm chiếm 13,9% (2.469/19.138 công trình) thì năm 2017 giảm còn 10,99% (1.916/17.422 công trình), năm 2018 còn 5,28% (891/16.885 công trình), năm 2019 còn 3,07% (605/19.697 công trình) và năm 2020 giảm còn 2,13% (402/18.878 công trình). Đến năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài nên hoạt động xây dựng cũng bị ảnh hưởng.

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, qua thống kê, số lượng công trình xây dựng phát sinh hằng năm vẫn khá lớn, song số lượng công trình vi phạm giảm rõ rệt. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm. Không chỉ giảm phát sinh vi phạm mới, vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đô thị của người dân và doanh nghiệp từng bước được nâng cao.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng nhận xét, những chuyển biến tích cực trên có được là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả quản lý. Việc thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã cũng đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý trật tự xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm nguyên tắc “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.

Xem xét trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay, ngay từ đầu năm, quận đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng, trong đó tập trung kiểm tra tại các dự án phát triển nhà ở, các khu chung cư trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm từ khi mới phát sinh. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra sau cấp phép định kỳ và đột xuất, không để tồn tại các vi phạm không phép, sai phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, quận còn nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong quản lý trật tự xây dựng thông qua hệ thống thông tin cơ sở, trạm tin, bảng tin, nhóm mạng xã hội Zalo... tạo môi trường thuận lợi cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, người dân chấp hành pháp luật trong hoạt động xây dựng, hạn chế phát sinh vi phạm trật tự xây dựng mới.

Thanh Trì là huyện đang thực hiện đề án trở thành quận, trong những năm qua, mức độ đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra với tốc độ cao. Vì thế, huyện Thanh Trì xác định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm và đặc biệt chú trọng quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Hằng tuần, Thường trực HĐND, UBND huyện đều tổ chức họp, chỉ đạo; các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn phối hợp đồng bộ, tăng cường công tác quản lý ngay từ khâu cấp phép xây dựng, tập trung chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát công trình xây dựng, phát hiện kịp thời, xử lý sớm vi phạm. Do đó, trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có điểm nóng, điểm phức tạp về quản lý trật tự xây dựng.

Để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng khẳng định, giải pháp tốt nhất vẫn là tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm. Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm tất cả các công trình đều được kiểm tra, kiểm soát, từ năm 2023 trở đi, Thanh tra Sở duy trì thực hiện hằng năm việc thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, hướng dẫn, nhắc nhở, chấn chỉnh, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.