Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 10-2011 chỉ tăng 0,36% so với tháng trước, thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ ba liên tiếp có mức tăng dưới 1%. Với tình hình giá cả như hiện nay và những dự báo cho thời gian tới, lãi suất huy động VND đang bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime bank).Ảnh: Duy Tuấn
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dù dự báo giá vàng thế giới còn trong xu hướng tăng nhưng với các biện pháp bình ổn thị trường vàng của NHNN và việc siết chặt huy động vàng tại các ngân hàng, cộng hưởng với việc tỷ giá ít bị đầu cơ, giá vàng trong nước sẽ không thể tăng cao đột biến như đã từng xảy ra. Giá trong nước sau đợt sốt nóng đầu tháng 8 đã tương đối ổn định và khoảng vênh so với giá vàng thế giới được thu hẹp dần. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới hiện vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng một lượng. Đó là lý do giá vàng đã không còn hấp dẫn giới đầu cơ.
Các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản (BĐS) cũng không mấy khả quan. Giá USD tương đối ổn định, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do với thị trường chính thức đã thu hẹp so với trước. Tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố hiện đã ổn định ở mức 20.803 đồng/USD. NHNN cũng ban hành một loạt văn bản để siết chặt thị trường ngoại hối. Các ngân hàng thương mại cũng có sự điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm.
Thị trường chứng khoán thiếu thông tin tích cực hỗ trợ tăng giá, tiếp tục chịu ảnh hưởng do định hướng giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 16%/năm vào cuối năm. Giá trị giao dịch thấp, nhà đầu tư nản lòng. VN-Index khó đạt ngưỡng 485 điểm từ nay đến cuối năm như dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Thị trường BĐS không mấy sáng sủa khi nhiều công ty BĐS không đẩy được hàng đi trước thời điểm các ngân hàng thu hồi nợ. Do giá trước đó đã quá cao, chi phí lãi suất vay lớn, tỷ trọng tín dụng vào BĐS giảm, cung đang cao hơn cầu… nên tiền ra nhiều hơn tiền vào thị trường này. Dự báo tình trạng này còn kéo dài đến cuối năm sau.
Cũng theo NHNN, với những người có tiền nhàn rỗi, tiết kiệm VND là kênh an toàn nhất hiện nay trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn và rủi ro cao. Lãi suất huy động VND đang được các ngân hàng áp dụng với mức trần 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 1%/tháng, gửi tiết kiệm không chỉ là nơi "tạm trú" đối với nhiều nhà đầu tư mà còn là kênh đầu tư hiện có lãi suất "thực dương".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.