(HNM) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở các thôn Giao Tất A, Giao Tất B và tổ dân phố đường 181, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do tuyến kênh Dài (còn gọi là kênh Bắc Hưng Hải) gây nên.
Rác thải ngập ngụa tại kênh Dài gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Hà |
Kênh dài do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống quản lý, bắt nguồn từ Trạm bơm Bắc Hưng Hải, chảy qua địa phận huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên); các xã Dương Quang, Kim Sơn và Lệ Chi (huyện Gia Lâm), sau đó chảy vào địa phận huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Song, đoạn kênh chảy qua xã Kim Sơn dài khoảng 3km ô nhiễm nặng nhất. Từ nhiều năm nay, nước tại kênh này luôn có màu đen kịt; rác thải, xác động vật ngập ngụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Rác thải chỉ giảm sau khi được đơn vị quản lý kênh vớt đi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại ngập đầy kênh.
Có mặt tại kênh Dài, đoạn qua xã Kim Sơn những ngày cuối tháng 4-2019, phóng viên nhận thấy khu vực gần cống Keo dài khoảng 400m, giáp đường 181 có rất nhiều rác, hộp xốp, bao tải và túi ni lông chứa rác nổi đầy trên mặt kênh. Chưa kể, xác một số động vật chết trôi nổi trên dòng kênh, bốc mùi xú uế. Theo phản ánh của người dân Khu tập thể Thủy Lợi, tổ dân phố đường 181 xã Kim Sơn, tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh Dài đã diễn ra khoảng 10 năm nay.
Ông Phương Hữu Ngũ, Bí thư Chi bộ tổ dân phố đường 181 - gia đình ở đối diện cống Keo - bức xúc: “Hộ dân nào sống gần cống Keo cũng đều phải đóng kín cửa cả ngày vì mùi hôi khủng khiếp từ kênh Dài gây nên. Trước thực trạng ô nhiễm kéo dài, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đơn vị quản lý tuyến kênh có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kim Sơn thừa nhận phản ánh của người dân là đúng. Kênh Dài là kênh tưới, mỗi khi bơm nước, rác thải lại dồn hết về cống Keo, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân các thôn Giao Tất A, Giao Tất B, tổ dân phố đường 181 và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã.
Theo nhận định của UBND huyện Gia Lâm, nguyên nhân của tình trạng kể trên là kênh Dài phải chứa một lượng nước thải rất lớn của Khu công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) xả vào. Ngoài ra, khi chảy qua làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, các hộ dân đã xả trực tiếp rác, nước thải từ các hoạt động sản xuất, chế biến phế liệu xuống kênh gây ô nhiễm.
Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Như Quỳnh xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Dài; đồng thời, đề nghị đơn vị quản lý kênh tăng cường biện pháp quản lý, không để các tổ chức, cá nhân xả rác, nước thải ô nhiễm vào kênh… Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm tại kênh Dài vẫn chưa được khắc phục.
Để bảo đảm môi trường sống trong lành và tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của người dân xã Kim Sơn, rất mong các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ và sớm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.