Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế thừa truyền thống để phát triển

Minh Ngọc| 11/01/2017 06:45

(HNM) - Ngày 13-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (Thạch Thất). Tại đây, Người cùng các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng, Chính phủ họp bàn, quyết định nhiều công việc của đất nước, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.


Các em học sinh dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ảnh: Hồng Vân


Di tích gắn liền với những sự kiện đặc biệt

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc trong 19 ngày đêm, từ ngày 13-1 đến 2-2-1947 là gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm. Ngôi nhà Bác ở khi đó làm bằng tre, tường đất, sân đất, chưa có người ở, nằm trên ngọn đồi nhiều cây cổ thụ, xa đường đi, rất thuận lợi cho các hoạt động cách mạng. Tại căn nhà đơn sơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ (24-1-1947), thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô (27-1-1947), thư gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc… Ngoài ra, Bác còn viết nhiều thư, điện văn gửi các chính phủ, các nhà lãnh đạo, các chính khách Pháp, Ấn Độ, Miến Điện…

Trong thời gian ở Cần Kiệm, Bác liên lục di chuyển đến các địa điểm khác nhau trong khu vực để chỉ đạo cách mạng. Tối 21-1-1947 (30 Tết), Người đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai, chúc mừng năm mới các thành viên của Chính phủ và nhấn mạnh ba công việc chính cần xúc tiến gấp là tổ chức tốt việc tản cư, di cư; động viên nhân dân và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. 22h30, Người lên xe đến Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (Chương Mỹ) chúc Tết đồng bào cả nước.

70 năm trôi qua, ngôi nhà đơn sơ xưa kia nay đã được các cơ quan chức năng và nhân dân giữ gìn, phục chế, bảo quản nguyên trạng, trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm - một trong những di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô. “Thăm địa chỉ đỏ này, chúng em phần nào thấy được tấm gương đạo đức, tác phong làm việc, lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, em Nguyễn Hà An, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết.

Điểm sáng văn hóa

Noi theo gương sáng của Người, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất phát huy truyền thống, tận dụng sức mạnh nội lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Thạch Thất trở thành điểm sáng văn hóa. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, những năm gần đây, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện phát triển tương đối đồng bộ, toàn diện. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục chiếm ưu thế (68%), 15/22 xã đạt tiêu chí nông thôn mới...

Với nhiệm vụ xuyên suốt là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, huyện Thạch Thất đã lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân để xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình 12-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhằm cụ thể hóa Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội. Sau hơn 5 năm thực hiện, nếp sống văn minh, thanh lịch trên địa bàn huyện từng bước hình thành. Tỷ lệ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tăng từ 82% năm 2011 lên 88% năm 2016. Những địa phương vốn tồn tại nhiều hủ tục như xã Cẩm Yên, Chàng Sơn, Lại Thượng, Thạch Hòa, thị trấn Liên Quan…, nay đã có 39-57% số gia đình chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố, lễ tang tổ chức trang trọng, tiết kiệm.

Đáng ghi nhận hơn, huyện Thạch Thất đã đầu tư nguồn lực không nhỏ để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân; quan tâm giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhờ có địa điểm sinh hoạt, nghệ thuật hát chèo ở xã Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước ở xã Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá; cồng chiêng ở xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân… đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. “Chưa bao giờ, các loại hình nghệ thuật truyền thống được quan tâm như hiện nay. Đó cũng là cách giúp thế hệ trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội”, nghệ nhân cồng chiêng Bùi Thị Bích Thìn, thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân cho hay.

Năm 2017 và những năm tiếp theo, huyện Thạch Thất tiếp tục phát huy nội lực để phát triển toàn diện, trong đó đặc biệt ưu tiên tới việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng con người hướng đến tiêu chí thanh lịch, văn minh.

Ngày 13-1, huyện Thạch Thất sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về ở và làm việc tại huyện Thạch Thất (13/1/1947 - 13/1/2017). Theo đó, sáng 13-1, Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các ngành, đoàn thể huyện Thạch Thất sẽ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa (xã Cần Kiệm); tổ chức lễ kỷ niệm với các nghi thức trang trọng và phát động phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Từ ngày 14-1 đến 3-2, các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn huyện sẽ dâng hương tỏ lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng sự kiện 70 năm Bác Hồ về ở và làm việc tại Thạch Thất; mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kế thừa truyền thống để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.