Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hà Nội đã được xác định rõ “đầu bài” để nhanh chóng bắt tay thực hiện hàng loạt công việc.
Đến nay, những định hướng ban đầu về phát triển không gian và hạ tầng đô thị phục vụ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được hình thành, đưa ra những định hướng lớn phát triển Thủ đô trên cơ sở kế thừa, bảo lưu những giá trị cũ và phát huy những yếu tố mới.
“Kim chỉ nam” cho phát triển
Ngày 16-6-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó nhấn mạnh quy hoạch cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, yêu cầu trọng tâm đối với Điều chỉnh Quy hoạch chung là bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đối với Thủ đô Hà Nội… phát triển liên kết vùng để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (vùng đồng bằng sông Hồng), trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Đây là dấu mốc quan trọng khi thành phố Hà Nội đã có “đầu bài” với những yêu cầu đặt ra rõ ràng, cụ thể nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, ngay sau khi nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, Viện đã triển khai các thủ tục đấu thầu, lựa chọn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia làm tư vấn. “Đây cũng là đơn vị trong liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, sẽ có nhiều thuận lợi trong bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt cả 2 quy hoạch này”, ông Lưu Quang Huy đánh giá.
Cũng theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (Quy hoạch 1259) được thành phố Hà Nội thực hiện quyết liệt và thận trọng trong từng nội dung công việc.
Cụ thể, trước khi lựa chọn đơn vị tư vấn, Viện đã cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch 1259, đưa ra những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới và cũng đã báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ và Ban chấp hành Đảng bộ thành phố. Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng đã được báo cáo tại kỳ họp lần thứ mười hai HĐND thành phố Hà Nội vào tháng 6-2023.
“Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Viện căn cứ vào nhiệm vụ lập và điều chỉnh hai đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng định hướng không gian, hạ tầng kỹ thuật khung cho thành phố”, ông Lưu Quang Huy nêu.
Trong quá trình nghiên cứu có rất nhiều định hướng chỉ ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là hình thành sân bay thứ hai phía Đông Nam Thủ đô, hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô và hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính Thủ đô cũng như phát triển thêm đô thị phía Tây Vành đai 4 và rà soát lại các đô thị vệ tinh cũng như thị trấn sinh thái để đánh giá, định hướng phát triển. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đó cũng là những nội dung chính cơ bản ban đầu của nghiên cứu tổ chức không gian và hạ tầng khung của Hà Nội.
Định hướng nhiều nội dung mới
Về những nội dung định hướng cụ thể hơn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, 3 phương án kịch bản dân số: 12, 13 và 14 triệu người được đưa ra phân tích trên cơ sở tác động kinh tế, quy mô đô thị, khu vực phát triển đô thị. Kế thừa mô hình phát triển chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh đã được đặt ra ở Quy hoạch 1259, việc điều chỉnh mới sẽ xác lập lại không gian đô thị, nhấn mạnh hơn phát triển hướng Đông và tăng kết nối với phía Nam…
Đối với đô thị trung tâm, tiếp tục được xác định là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố Hà Nội và cả nước, gồm các khu vực: Đô thị phía Nam sông Hồng, gắn với định hướng bảo tồn - tôn tạo, cải tạo - tái thiết, phát triển mới (trong đó, khu vực nội đô lịch sử và khu vực nội đô lịch sử mở rộng) sẽ bảo tồn - tôn tạo, cải tạo - tái thiết bổ sung hạ tầng xã hội, phát triển mới - nén theo mô hình TOD); đô thị phía Đông Vành đai 4 sẽ phát triển mới, nén theo mô hình TOD, cao tầng, mật độ xây dựng thấp, nhiều không gian xanh; đô thị phía Tây vành đai đến sông Đáy, phát triển mới, nén ở các đầu mối giao thông quốc gia - vùng, bố trí nhiều không gian công cộng, ưu tiên phát triển công cộng cấp vùng và nhà ở xã hội.
Về hai thành phố trong thành phố gồm thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) sẽ là đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài. Tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh, cao tầng - hiện đại, xanh - đặc sắc, bảo tồn phát huy giá trị Cổ Loa. Thành phố phía Tây, bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đô thị vệ tinh, gồm đô thị vệ tinh Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng) và đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa).
Kế thừa mô hình phát triển chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh đã được đặt ra ở Quy hoạch 1259, việc điều chỉnh mới các đô thị vệ tinh sẽ xác lập lại không gian đô thị, nhấn mạnh hơn phát triển hướng Đông và tăng kết nối với phía Nam… Đối với 3 thị trấn sinh thái, các thị trấn huyện lỵ cũng được kế thừa định hướng phát triển không gian đã xác lập trong Quy hoạch 1259.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng dựa trên các định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cũng như nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch 1259 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để định hướng phát triển 5 trục không gian chính của thành phố gồm: Trục không gian sông Hồng, là trục không gian chủ đạo đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm; trục hồ Tây - Ba Vì kết nối văn hóa Thăng Long - xứ Đoài, được điều chỉnh phù hợp với thực tế, gìn giữ các làng nghề lâu đời; trục không gian hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; trục Nhật Tân - Nội Bài có giá trị phát triển kinh tế trên cơ sở kết nối với hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ngoài ra, phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối Di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng Di tích Hương Sơn - Tam Chúc, sân bay quốc tế thứ 2 và đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Ông Nguyễn Đức Hùng cũng cho biết, đơn vị tư vấn đã định hướng hai phương án đối với vị trí cảng hàng không thứ hai tại các huyện Thường Tín, Ứng Hòa. Phương án cụ thể sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.