(HNM) - Hơn hai thập kỷ sau khi Liên minh Châu Âu dỡ bỏ kiểm soát biên giới đất liền giữa các quốc gia thành viên bằng Hiệp ước Strengen, Lục địa già đã trở thành một biểu tượng của sự tự do xuyên biên giới.
Tâm điểm của mâu thuẫn là kế hoạch hợp nhất hệ thống điều khiển không lưu tại 27 nước thành viên của liên minh với tên gọi "Bầu trời duy nhất" hay còn gọi "Bầu trời mở" được đưa ra từ hơn 10 năm trước nhằm dỡ bỏ các biên giới quốc gia trên không, tăng gấp ba năng lực không phận, giảm 50% chi phí quản lý không lưu và 10% tác động lên môi trường. Về lý thuyết, bầu trời mở của EU sẽ giúp đơn giản hóa việc kiểm soát không lưu - hiện chia thành 27 vùng do từng nước quản lý. Theo kế hoạch, nếu được các quốc gia thành viên chấp thuận và thông qua, không phận Châu Âu mới gồm 9 khu vực sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2012. Thế nhưng, đến nay kế hoạch một "bầu trời mở" trên Lục địa già vẫn chưa thành hiện thực.
“Thượng đế” mệt mỏi vì lỡ chuyến bay tại một sân bay ở Marseille (Pháp) do nhân viên không lưu đình công. |
Hiện tại, khoảng 27.000 chuyến bay mỗi ngày tại không phận Châu Âu và tổng số hơn 9 triệu chuyến bay/năm đang chịu sự giám sát chung của hệ thống quản lý giao thông hàng không, được thiết kế từ những năm 1950. Trong khi đó, việc kết nối các hệ thống kiểm soát bay là một quá trình không đơn giản. Thêm vào đó, các hệ thống kiểm soát không lưu đơn lẻ của từng quốc gia trong EU dù hiện đại nhưng đều đã trong tình trạng quá tải và tổ chức nghiệp đoàn hàng không quốc gia các nước luôn phản đối kế hoạch kết nối.
Vài ngày trở lại đây, tranh cãi xung quanh "Bầu trời duy nhất" lại tiếp tục bùng phát khi Cao ủy phụ trách về giao thông của EU Siim Kallas dự định trình bày trước Nghị viện Châu Âu (EP) các đề xuất nhằm tái thúc đẩy quá trình hợp nhất không phận. Theo ông S.Kallas, sự thiếu hiệu quả trong quá trình hợp tác của hệ thống kiểm soát không lưu hiện hành đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không và khách hàng 5 tỷ euro hằng năm. Một phần nguyên nhân gây lãng phí là do sự phân định không phận giữa các quốc gia, nhiều chuyến bay đã phải thực hiện theo đường vòng khiến chi phí gia tăng. Bên cạnh đó, theo ước tính, mật độ giao thông hàng không tại Cựu lục địa sẽ tăng thêm 50% trong hai thập kỷ tới, nếu không có những bước đi dứt khoát để hợp nhất kiểm soát không lưu, Châu Âu sẽ khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn giao thông đường không.
Trên thực tế, tình trạng này đã từng xảy ra vào tháng 4-2010 khi núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland phun trào trút hàng trăm tấn tro bụi vào không khí. Các chuyên gia về hàng không EU cho rằng, tình trạng đường bay dích dắc và việc kiểm soát không lưu chồng chéo, thiếu hiệu quả giữa các quốc gia là nguyên nhân khiến hơn 100.000 chuyến bay phải hủy bỏ, ảnh hưởng tới khoảng 10 triệu hành khách.
Theo đề xuất của Cao ủy S.Kallas Ủy ban Châu Âu (EC) cần trừng phạt các nước thành viên chậm trễ chấp hành quy định này. Ông S.Kallas cũng đề nghị cho tự do cạnh tranh đối với các dịch vụ hỗ trợ việc kiểm soát như dự báo khí tượng. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều cuộc đình công phản đối do các nghiệp đoàn thuộc lĩnh vực này tại nhiều thành viên EU tổ chức đã diễn ra buộc giới chức EU phải hoãn lại buổi thuyết trình của ông S.Kallas.
Làn sóng đình công của các nhân viên kiểm soát không lưu bắt đầu từ Pháp hôm 11-6 khiến 60% các chuyến bay bị hủy, trong khi bình quân một ngày có 7.650 chuyến bay. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi phong trào đình công lan rộng ra 10 nước Châu Âu khác làm hệ thống giao thông đường không gần như tê liệt. Các nghiệp đoàn cho rằng, "Bầu trời duy nhất" sẽ đẩy tình trạng thất nghiệp gia tăng do cắt giảm chi phí và cuộc thu hẹp bản đồ kiểm soát không lưu sẽ khiến nhiều nhân viên phải nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, việc EC muốn tư nhân hóa một số bộ phận bị cho là sẽ đe dọa sự an toàn của hành khách.
Theo đúng lộ trình, quá trình hợp nhất kiểm soát không phận EU sẽ hoàn thiện vào năm 2020. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, "Bầu trời duy nhất" của Châu Âu đang đứng trước nguy cơ trở thành dự án "treo". Điều này không phải không có căn cứ khi nhiều quốc gia thành viên EU xem ra vẫn chưa sẵn sàng trao quyền kiểm soát không lưu quốc gia cho "tập thể" EU. Thậm chí mới đây, các nhà chức trách Pháp và Đức còn khẳng định sẽ tìm cách trì hoãn việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.