Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch chạm tới Mặt trời của NASA vào năm 2018

Tiến Đạt| 01/03/2017 17:12

(HNMO) – NASA đang chuẩn bị triển khai một thiết bị tiếp cận gần nhất với Mặt trời từ trước đến nay. Thiết bị này có khả năng chịu đựng sức nóng cũng như bức xạ một cách đáng kinh ngạc để thăm dò gió mặt trời ảnh hưởng thế nào đến Trái đất.


Gió Mặt trời là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vành ánh sáng xung quanh Mặt trời.

Một cơn gió Mặt trời khi chạm đến Trái đất có thể mang sức tàn phá khủng khiếp. Cơn bão lớn nhất trong lịch sử do gió Mặt trời gây ra là sự kiện Carrington năm 1859, khiến tất cả các máy điện tín ở hai lục địa dừng hoạt động. Nếu trận bão khổng lồ này diễn ra vào thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng nước Mỹ có thể thiệt hại đến 2,6 ngàn tỷ USD và mất điện trong vài tháng đến vài năm.

Thiết bị điện tử mang tên Solar Probe Plus được lên lịch phóng lên vũ trụ vào năm 2018 trong hành trình dài 87 triệu dặm và chịu được mức nhiệt lên tới 1.371oC. Hơn nữa, đây là thiết bị có vận tốc nhanh nhất từ trước đến nay, gấp ba lần vận tốc của phi thuyền không gian Juno của NASA trước đây.

Để bảo vệ Solar Probe Plus khỏi mức nhiệt dữ dội từ Mặt trời, NASA đã phải thiết kế thêm tấm chắn nhiệt bằng carbon dầy 12cm cùng ống nhiệt hoạt động với chức năng của bộ tản nhiệt.

NASA cũng cho biết thêm, nhiệm vụ lần này có ba mục tiêu: hiểu thêm về dòng năng lượng phát ra từ vành ánh sáng xung quanh Mặt trời, kiểm tra về dòng vật chất gây ra gió Mặt trời và các hạt năng lượng di chuyển nhanh như thế nào.

Ngoài việc cải thiện hiểu biết của con người về bão mặt trời, NASA cũng kỳ vọng thiết bị mới nhất này có thể giúp giải mã những bí ẩn của trái đất, hành tinh tuyệt vời nhất trong hệ Mặt trời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch chạm tới Mặt trời của NASA vào năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.