(HNM) - 23 giờ 35 phút đêm 3-5, chuyến bay mang số hiệu 202 của Hãng Hàng không Emirates Airlines của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ từ lăn bánh ra đường băng phi trường John F.Kennedy tại New York để bay đi Dubai.
Tuy nhiên, vào phút chót trước khi chuẩn bị tăng tốc để cất cánh, phi công nhận được lệnh quay trở lại bến đỗ. Các nhân viên điều tra Mỹ lặng lẽ lên phi cơ để không gây kinh động hành khách, tới thẳng chỗ một người đàn ông trẻ có khuôn mặt rất điển trai. Anh ta lẳng lặng đi theo các thám tử mà không chút phản kháng trong sự ngỡ ngàng của hành khách trên máy bay. Sau đó, một thông tin quan trọng được công bố, Faisal Shahzad, nghi phạm đứng sau âm mưu khủng bố bất thành tại Quảng trường Thời Đại 53 giờ 20 phút trước đã bị bắt.
Faisal Shahzad và chiếc xe gây án. |
Kể từ thời điểm ấy, cái tên Faisal Shahzad, một công dân Mỹ gốc Pakistan 30 tuổi bắt đầu nổi lên và diễn biến của tiến trình điều tra dần được hé lộ. Theo nhà chức trách, chỉ 24 giờ sau khi chiếc xe cài bom tự tạo xì khói trên Quảng trường Thời Đại bị phát hiện vào tối 1-5, các nhân viên điều tra của FBI và cảnh sát New York đã lần ra đầu mối từ biển số xe được giấu trong khoang động cơ. Chủ nhân chiếc Nissan Pathfinder đời 1993 cho biết đã bán chiếc xe cho một người đàn ông cách đây ba tuần thông qua cuộc mua bán chóng vánh ở một khu phố tại Connecticut với giá 1.300 USD mà không có bất kỳ giấy tờ hợp đồng nào. Ngay sau đó, việc tìm ra người chủ mới Shahzad không khó khăn và hắn bị theo dõi chặt kể từ 15 giờ chiều 3-5 tại nơi cư trú ở Bridgeport (Connecticut) do chưa có đầy đủ bằng chứng để bắt giữ. Tuy nhiên, có lẽ Shahzad đã bị đánh động từ thông tin trên báo chí và bằng cách nào đó, hắn cắt được đuôi nhóm FBI giám sát bên ngoài ngôi nhà và lái xe ra sân bay quốc tế John F.Kennedy, từ trên xe gọi điện thoại đặt vé đi Islamabad, Pakistan quá cảnh qua Dubai, lên máy bay và suýt nữa trốn thoát.
Trong quá trình thẩm vấn, Shahzad khai nhận kế hoạch khủng bố đã được "thai nghén" từ tháng 12 năm ngoái. Sau khi nhận được 4.000 USD tiền mặt gửi từ nước ngoài qua hệ thống gửi tiền bí mật Hawala trong một cuộc gặp tại tiệm bánh Dunkin'Donuts ở Long Island (New York), Shahzad đã tìm mua một chiếc xe bình dân qua mạng mua bán Craigslist vào ngày 24-4. Sau đó, hắn mua hai đồng hồ báo thức, bình ắc quy, hai thùng xăng, ba thùng khí propane, 40 quả pháo bông M-88, thuốc súng, 113kg phân đạm đựng trong 8 bao ni lông để chế tạo thành 4 quả bom. Chiều 1-5, Shahzad lái xe Nissan hướng về khu Manhattan, dừng xe trước trụ sở Liên hợp quốc để chỉnh đồng hồ hẹn giờ kích hoạt bom. Nửa tiếng sau, chiếc xe bị bỏ lại ở góc đường số 45 và Broadway khi máy xe vẫn nổ và đèn xinhan lập lòe sáng. Lúc đó là 18 giờ 28 phút, thời điểm khu vực Quảng trường Thời Đại rất đông người qua lại. Tuy nhiên, công thức pha chế bom của Shahzad không đúng sách vở nên chỉ tạo khói. Theo cảnh sát trưởng New York Raymond Kelly, nếu không mắc sai lầm, vụ nổ sẽ tạo ra một quả cầu lửa lớn, xé chiếc xe ra làm hai và gây thương tích cho rất nhiều người.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát Mỹ đã chắp nối các thông tin và biết rằng kẻ khủng bố xuất thân từ một gia đình giàu có ở Pabbi gần thành phố Peshawar, là con trai ông Baharul Haq, người từng giữ ghế Phó Tổng Giám đốc Hàng không dân dụng Pakistan. Shahzad sang Mỹ du học từ năm 1998, tốt nghiệp Đại học Bridgeport ngành công nghệ thông tin năm 2001 rồi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2005. Shahzad sống với vợ, con gái lớn 4 tuổi, con trai nhỏ 1 tuổi và 2 người chị vợ tại Mỹ nhưng họ đã về Karachi, Pakistan từ tháng 7-2009. Tuy nhiên, hắn chỉ chính thức trở thành công dân Mỹ từ ngày 17-4-2009. Điều đặc biệt là tên này đã được huấn luyện trong khu vực Waziristan ở vùng biên giới Pakistan-Afghanistan và từng trở về quê hương trước khi quay lại Mỹ vào tháng 2 năm nay. Hiện các nhà điều tra đang truy tìm mối liên hệ giữa hắn và Taliban, với các tổ chức khủng bố khác ở Nam Á cũng như những kẻ có thể liên quan đến âm mưu này tại Mỹ. Việc hắn nhận được hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cho thấy phần tử này chắc chắn không thể hành động đơn độc.
Quá trình tìm câu trả lời cho những nghi vấn vẫn đang tiếp tục nhưng rõ ràng nước Mỹ đã một lần nữa may mắn sau vụ đánh bom bất thành trên chuyến bay về Detroit hôm giáng sinh năm ngoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.