(HNM) - Hơn 20 nghìn tên phim là quy mô bộ sưu tập vô cùng giá trị của nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh. Ông đã dành cho Hànộimới một cuộc trò chuyện cởi mở quanh kho phim đồ sộ này.
- Thưa nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, ông sớm bước chân vào nghề văn nhưng rồi lại gắn bó với điện ảnh. Hẳn là ông có nhiều điều chia sẻ cùng bạn đọc về cơ duyên nghề nghiệp của mình?
- Đúng là tôi bắt đầu với văn chương, truyện ngắn đầu tiên trong đời là “Giấc mơ thống nhất” viết năm 13 tuổi, đăng trên Báo “Thiếu niên Tiền phong” và đoạt giải. Rồi đến truyện “Ba người” viết năm 19 tuổi, đăng trên báo “Người Hà Nội”. Nhưng có lẽ văn chương bắt đầu mở ra cho tôi những cơ hội là từ sau truyện ngắn “Bức xạ” đăng trên Báo Tiền phong; sau đó là “Tốc độ”, đoạt giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ (1974-1975). Tôi trở thành cộng tác viên cho Báo “Người Hà Nội”, rồi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi học một khóa bồi dưỡng viết văn trẻ.
Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh. |
Còn nói về điện ảnh thì tôi đã được hai đạo diễn Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ đưa từ miền Nam ra. Khi ấy, tôi đang làm ở Cục Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên huấn trung ương Cục miền Nam). Tất cả bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ, hợp tác với hai nhà điện ảnh về văn chương. Tôi quyết định ra Hà Nội, về Hãng phim truyện Việt Nam năm 1976, vì thật ra cũng rất nhớ thành phố - nơi tôi sinh ra và lớn lên, rồi tạm xa để vào Nam chiến đấu. Từ đó đến nay, tôi gắn bó với ngành điện ảnh trong vai trò biên kịch, đạo diễn phim.
- Với bộ sưu tầm giá trị gần 20 nghìn tên phim nói trên, hẳn ông đã phải bắt đầu công việc này từ lâu rồi, với một lý do đặc biệt?
- Chúng ta trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, nên giao tiếp với thế giới bị hạn chế. Điện ảnh là một ví dụ. Điều này thực sự đáng lo ngại vì nếu không hiểu biết về các dòng phim, các xu hướng, các tác phẩm giá trị của điện ảnh thế giới, ta không thể biết mình đang ở đâu, mình thiếu gì…
Thế nên đã từ lâu, tôi ao ước được xem và sưu tầm những bộ phim giá trị của điện ảnh các nước. Khoảng đầu những năm 1990, một người bạn đi nước ngoài về tặng tôi một cuốn băng video thu một bộ phim của Italia là “Chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta”. Tôi xem thấy mê quá, rồi từ đó thông qua bạn bè, tôi đều cố gắng tìm mua, hoặc thu lại những bộ phim hay của thế giới. Thấy Fafim Việt Nam bắt đầu phát hành phim nước ngoài, tôi cả mừng, nhưng rồi thất vọng vì chủ yếu là phim hành động, thuyết minh lại kém. Tôi quyết định dù tốn kém, nhưng muốn có kiến thức thì phải chọn lọc, sưu tầm những phim giá trị. Nhưng lúc ấy cũng mới chỉ có được có vài chục phim, lại đều ở dạng băng video, dễ ẩm mốc…
Thế rồi, bạn tôi sau một lần đi nước ngoài về lại cho hay: Bao nhiêu công sức sưu tầm phim sắp đổ bể cả, vì thế giới bây giờ bắt đầu dùng đĩa DVD có thể chiếu được 6 đến 10 tiếng. Tôi bắt đầu lại từ đầu. Có dịp nào đi công tác nước ngoài là phải lang thang đến thư viện, rạp chiếu, bảo tàng… để tìm hiểu các LHP, tìm mua đĩa phim nổi tiếng.
- Hiện nay, mỗi năm ông phải đầu tư bao nhiêu phim và từ nguồn nào?
- Cũng khó nói chính xác nhưng tôi chú trọng mua phim trong danh sách đề cử các giải thưởng lớn như Oscar, Cannes, Venezia… Bởi vì tôi không chỉ xem phim đoạt giải mà phải xem các tác phẩm đề cử khác để so sánh, phân tích. Riêng Cannes đã có khoảng 30-50 phim cần tìm rồi. Tôi cố gắng tìm tối đa theo sức của mình. Nguồn phim chủ yếu ở các nước Đông Nam Á vì khu vực này thường cập nhật những bộ phim mới của thế giới.
- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm sưu tầm phim với các bạn trẻ yêu điện ảnh?
- Muốn sưu tầm phim thì phải phân biệt rõ mình thích dòng nào, cần xem dòng nào, nên tìm bản phim chất lượng và cố gắng xem bằng tiếng nước ngoài. Các đĩa DVD HD là chất lượng nhất, rồi đến loại đĩa có ghi “Bluray Disc”… Đĩa đánh số 5 là kém nhất, nhưng nếu là của nước ngoài thì cũng xem tốt. Những bản phim tiếng Việt hiện nay ở ta đa phần được ghi bằng loại đĩa thường. Chưa kể, một số phim thuyết minh vội vàng nên chưa thật chính xác, thậm chí còn cắt bớt thời lượng.
Có phim rồi, thì điều quan trọng thứ hai là phải vượt qua đĩa phim đầu tiên bằng tiếng nước ngoài. Phần lớn thất bại ở thời điểm này, bởi có khi phải xem đi xem lại cả tháng trời mới hiểu được. Nhưng chớ vội nản chí. Nếu xem bằng tiếng Việt thì nên có phụ đề tiếng Anh để so sánh. Đồng thời, cũng nên trao đổi thêm với chuyên gia điện ảnh để có thể hiểu chính xác hơn về nội dung.
Lúc đầu, tôi cũng như các bạn thôi, vừa xem vừa tự học. Nói chung, nên bắt đầu theo điều kiện và hoàn cảnh của mình, và nhất là phải kiên trì, từng chút, từng chút một.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh hiện là Phó ban học tập của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông tham gia nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh giá trị của thế giới cho các hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và công chúng. Tại LHP Quốc tế - Hà Nội lần thứ hai vừa qua, ông trực tiếp tham gia tuyển chọn phim nước ngoài để trình chiếu tại LHP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.