Theo dõi Báo Hànộimới trên

Italia: Chưa thoát khủng hoảng

Quỳnh Chi| 11/10/2014 07:07

(HNM) - Đứng trước nguy cơ “lỗi hẹn” với mục tiêu tăng trưởng khi kinh tế rơi vào suy thoái lần 3 trong vòng 5 năm, Chính phủ của Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang phải đứng trước những áp lực phải đưa ra những biện pháp cải cách mạnh mẽ nếu không muốn đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.


Mới đây, Quốc hội Italia đã vừa phải nhất trí thông qua một quyết định được cho là “chưa có tiền lệ” trong lịch sử khi tiến hành cắt giảm lương của các nhân viên làm việc cho Hạ viện và Thượng viện nước này, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Quyết định về việc “cải cách thu nhập cá nhân” này sẽ giúp cho ngân sách nhà nước tiết kiệm được 97 triệu euro trong 3 năm, từ 2015 đến 2018, dựa trên việc xem xét lại toàn bộ thu nhập của các nhân viên làm việc trong các bộ phận của hai viện. Việc cắt giảm được tiến hành dựa trên quá trình quy định mức lương trần cho người đứng đầu ở các bộ phận trực thuộc các viện Quốc hội, đồng nghĩa với việc thu nhập từ lương cứng của họ sẽ bị cắt từ 25 đến 40% trong vòng 3 năm tới.



Mặc dù quyết định này không được các nghiệp đoàn lao động ủng hộ, nhưng từ lâu nay, hệ thống chính trị Italia vốn đã bị coi là tốn kém và thiếu hiệu quả. Điều tra của trang web lavoce.info công bố cuối năm ngoái cho thấy, chi phí cho lương bổng, hoạt động và các phí tổn cho nhân viên, nghị sĩ ở nước này thuộc loại tốn kém nhất Châu Âu, trung bình mỗi tháng ngốn của người đóng thuế nước này xấp xỉ 20.000 euro cho mỗi người, gấp gần 4 lần so với các đồng nghiệp ở Quốc hội Anh. Một thống kê khác của nhật báo La Stampa cho thấy, chi phí cho Quốc hội trên đầu người ở Italia gấp 3 lần Pháp, 7 lần Anh và 10 lần Tây Ban Nha.

Một động thái “đột phá” khác là việc ngày 8-10, Thượng viện Italia thông qua kế hoạch cải cách thị trường lao động vốn vấp phải nhiều phản đối từ các nghiệp đoàn và một số chính trị gia.

Luật mới sẽ giúp bảo vệ các hợp đồng lao động mới, giảm bớt tình trạng dư thừa của các hợp đồng lao động tạm thời đang gây khó khăn cho các lao động nhập cảnh, bên cạnh việc thiết lập mức lương và trợ cấp thất nghiệp tối thiểu. Đối với Thủ tướng Matteo Renzi, cải cách thị trường lao động là một định hướng ưu tiên và cũng là cam kết chính trong chương trình hoạt động của Chính phủ nhằm đấu tranh với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, đặc biệt trong giới trẻ (hiện lên tới 40%). Quyết định của Thượng viện Italia được đưa ra vào lúc Italia phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” đáng lo ngại. Theo số liệu của Fondazione Migrantes, một tổ chức về di cư của Hội đồng giám mục Italia công bố mới đây, cho biết trong năm 2013 có tới hơn 94 nghìn người Italia rời bỏ đất nước để ra nước ngoài kiếm sống, tăng 16% so với năm trước đó. Riêng vùng Lombardy, được xem là khu vực giàu có và phát triển công nghiệp nhất, đã có tới 16.000 người rời bỏ quê hương để sang nước khác tìm việc làm. Hầu hết những người quyết định “dứt áo ra đi” là vì lý do kinh tế và rất ít người có ý định trở về nước, kể cả khi tình hình kinh tế Italia trở nên sáng sủa hơn.

Hiện tại, nền kinh tế của đất nước hình chiếc ủng vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng nợ công. Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Nhà nước Italia (Banca d’Italia) cho biết, nợ công của nước này đã đạt kỷ lục mới là 2.168 tỷ euro, tức 134% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu sau Hy Lạp. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Italia trong năm nay chỉ có thể đạt mức -0,3%, thấp hơn nhiều mức +0,8% so với con số dự đoán mà chính phủ đưa ra hồi tháng 4-2014. Theo nhiều nhà phân tích còn lâu nữa Italia mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, nhất là khi triển vọng phục hồi trước mắt của những khu vực mũi nhọn của nền kinh tế như công nghiệp và dịch vụ còn rất mờ mịt. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ chưa thể có tác dụng ngay được, nhưng lại có thể tạo ra những phản kháng xã hội mạnh mẽ, do ảnh hưởng đến các khu vực như phúc lợi xã hội, giáo dục và y tế. Đây có thể sẽ là thách thức tiếp theo đối với Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Italia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Italia: Chưa thoát khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.