(HNM) - Hơn 1 tháng sau cuộc tổng tuyển cử tại Italia, tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới của đất nước hình chiếc ủng vẫn ở thế bế tắc khi hai vòng tham vấn giữa đại diện các chính đảng chủ chốt vẫn chưa mang lại kết quả.
Tổng thống Italia Sergio Mattarella phát biểu trước báo giới sau khi vòng tham vấn thứ hai thành lập Chính phủ liên minh không đạt kết quả khả quan. |
Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, liên minh cánh hữu của ông Matteo Salvini, trong đó có đảng cực hữu Liên đoàn và đảng trung hữu Tiến lên Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silivio Berlusconi, đã dẫn đầu khi giành được 260 ghế tại Hạ viện, 135 ghế tại Thượng viện. Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) của ông Luigi Di Maio về vị trí thứ hai với 221 ghế tại Hạ viện, 112 ghế tại Thượng viện và là đảng độc lập dẫn đầu trong cuộc bầu cử. Liên minh trung tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) trung tả, về thứ ba và chỉ giành được 112 ghế tại Hạ viện, 57 ghế tại Thượng viện. Cục diện này cho thấy, không đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ mà buộc phải đi tới các cuộc thảo luận hình thành chính phủ liên minh.
Giới quan sát nhận định, một liên minh giữa các đảng cánh hữu và phe trung tả là điều gần như không thể bởi lãnh đạo liên minh cánh hữu Matteo Salvini từng thẳng thừng tuyên bố muốn đối thoại với tất cả các bên, ngoại trừ đảng trung tả PD. Kịch bản khả thi nhất hiện nay là đảng dân túy M5S và liên minh cánh hữu tìm cách thành lập chính phủ để điều hành đất nước, còn PD sẽ giữ vai trò là phe đối lập chính trong Quốc hội.
Một khảo sát vừa được Viện Demopolis công bố cho thấy, 46% cử tri bầu cho M5S và 65% cử tri bầu cho liên minh cánh hữu ủng hộ một thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa các đảng này. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cả hai phe dẫn đầu trong cuộc bầu cử vừa qua ở Italia không có quan điểm chính trị tương đồng và đều không sẵn sàng trở thành “thành tố thứ yếu” trong Chính phủ liên minh. Bởi vậy, quá trình đàm phán này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng bởi các bên cần vượt qua nhiều rào cản và thu hẹp những bất đồng.
Song trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, đất nước hình chiếc ủng không còn nhiều thời gian cho các cuộc đàm phán, thảo luận kéo dài. Italia cần có ngay một chính phủ hoạt động đầy đủ và hiệu quả để đương đầu, tìm ra giải pháp cho một loạt vấn đề cấp bách, trong đó có các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế, làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Đông, Bắc Phi qua Địa Trung Hải, căng thẳng leo thang ở Syria...
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy cùng sự hoài nghi về Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) ngày càng gia tăng tại Italia và nhiều nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Chính phủ nước này cũng cần thể hiện tiếng nói và lập trường rõ ràng trong cuộc họp của Hội đồng Châu Âu (EC) diễn ra cuối tháng 6 tới.
Tổng thống Italia Sergio Mattarella cho biết, sẽ chờ thêm một vài ngày trước khi xem xét các giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị vẫn không thể đạt được thỏa hiệp, Tổng thống S.Mattarella có thể sẽ chỉ định một chính phủ tạm thời để thực hiện các cải cách với sự đồng ý của các bên trong thời gian nhất định hay giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Đây chắc chắn không phải là những kịch bản mà người dân và các đảng phái ở Italia mong muốn.
Giới quan sát nhận định, bất luận chính trường Italia diễn biến theo chiều hướng nào, đã đến lúc các đảng chủ chốt cần có sự nhượng bộ nhất định để phá vỡ thế bế tắc vì mục tiêu chung. Chính phủ mới tại Italia dù do đảng phái nào lãnh đạo cũng vẫn luôn được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết sách cải tổ quyết liệt và hiệu quả hơn để khẳng định các giá trị và lợi ích của quốc gia trước hàng loạt khó khăn trước mắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.