Điểm nóng

Iran khẳng định không muốn chiến tranh lan rộng ở Trung Đông

Thương Nguyệt 11/02/2024 - 09:01

Trong chuyến thăm Lebanon để thảo luận về xung đột ở Gaza và tác động đối với an ninh khu vực, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian khẳng định, Iran chưa bao giờ tìm cách gây chiến trong khu vực.

“Iran và Lebanon xác nhận rằng chiến tranh không phải là giải pháp và chúng tôi không bao giờ tìm cách mở rộng”, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố ở họp báo với người đồng cấp Lebanon Abdallah Bou Habib, tại thành phố Beirut ngày 10-2.

Theo Aljazeera, chuyến thăm của Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Israel tiếp tục đổ lỗi cho Iran, cũng như các nhóm vũ trang có liên hệ với quốc gia này ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen, vì đã khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng thông qua những cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Israel.

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, Chủ tịch Quốc hội Lebanon Ziad Nakhale, Tổng Thư ký Phong trào Hồi giáo Jihad, một số quan chức Hamas và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

ngoaitruongiran.png
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian. Ảnh: Reuters

Sau cuộc gặp ở Lebanon, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian dự kiến ​​sẽ đến thủ đô Damascus (Syria), nơi Iran cũng được cho là có ảnh hưởng đối với các nhóm vũ trang. Sau đó, ông sẽ tới Qatar, quốc gia vẫn đang đóng vai trò là trung gian hòa giải chính giữa Israel và Hamas.

Một số nhà phân tích chính trị nhận định, chuyến công du của Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tới Lebanon và các quốc gia khác trong khu vực nhằm tác động đến kết quả đàm phán về xung đột ở Gaza.

Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho biết, giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất để chấm dứt xung đột tại Gaza và Iran đang đàm phán với Saudi Arabia về vấn đề này.

Về những cáo buộc cho rằng, một số nhân viên của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) liên quan đến sự kiện ngày 7-10-2023, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho rằng, quyết định thay thế cơ quan viện trợ này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo.

Trong thông báo hồi tháng 1, UNRWA xác nhận sa thải hoặc đình chỉ 12 nhân viên được cho là đã tham gia vào cuộc tấn công do Hamas thực hiện. Thông báo này, cùng với các báo cáo của Israel về một số nhân viên khác, đã buộc Mỹ và nhiều quốc gia đình chỉ tài trợ, khiến UNRWA sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối tháng 2.

unrwa.png
Nhân viên Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) vướng cáo buộc liên quan đến Hamas. Ảnh: Reuters

Theo Times of Israel, Mỹ ủng hộ UNRWA cung cấp viện trợ cho người Palestine ở Gaza trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng lan rộng do xung đột. Tuy nhiên, Quốc hội xứ Cờ hoa đang thúc đẩy luật ngăn UNRWA tiếp nhận tài trợ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố sẽ không phản đối nếu biện pháp này thông qua và đang xem xét gửi hỗ trợ đến các cơ quan khác như Chương trình Lương thực thế giới (WFP) hoặc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

OCHA lo ngại việc thay thế UNRWA bằng các cơ quan khác trong bối cảnh xung đột sẽ không khả thi. Với khoảng 13.000 nhân viên địa phương, UNRWA là cơ quan chính cung cấp viện trợ nhân đạo tại Gaza.

Dẫn lời một quan chức cấp cao của Israel, Times of Israel cho biết, số lượng lớn nhân viên địa phương trong vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát khiến UNRWA khó tránh khỏi việc bị các chiến binh lực lượng này xâm nhập.

untitled.png
Người dân tại Gaza nhận hàng viện trợ do UNRWA phân phối. Ảnh: Reuters

Andrea De Domenico, người đứng đầu OCHA cho rằng, việc chấm dứt nhiệm vụ của UNRWA sẽ khiến các bên liên quan trong cuộc xung đột phải chịu trách nhiệm phân phối viện trợ cho hơn 2 triệu dân thường ở Gaza, đồng thời thừa nhận, Liên hợp quốc “có thể bị buộc phải” tham gia vào một khuôn khổ mới để phân phối viện trợ thay cho UNRWA.

“Nhưng điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ chúng tôi và một cam kết nghiêm túc, đặc biệt từ phía Israel, để cho phép mở rộng quy mô hoạt động”, ông Andrea De Domenico nhận định.

Người đứng đầu OCHA cũng đề cập đến việc Israel liên tục từ chối yêu cầu cho phép đưa xe bọc thép, thiết bị bảo hộ cá nhân và liên lạc vô tuyến vào Gaza để bảo đảm phân phối viện trợ an toàn và nhanh chóng. Về vấn đề này, Israel khẳng định chỉ bác bỏ yêu cầu cung với lý do an ninh, đặc biệt đối với những mặt hàng có thể bị Hamas đánh cắp và khai thác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Iran khẳng định không muốn chiến tranh lan rộng ở Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.