Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Internet chỉ là nền cho số phận nhân vật”

Hải Giang| 30/01/2011 07:47

(HNM) - Cuộc thi tiểu thuyết đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và vì bình yên cuộc sống" (2007-2010) - do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức - đã chọn được hai đại diện xuất sắc. Họ đều là những cây bút khá trẻ, trong đó Nguyễn Xuân Thủy mới 33 tuổi.

Nếu ai đã từng đọc "Biển xanh màu lá" của tác giả từng là lính đảo Trường Sa này, hẳn sẽ bất ngờ với sự mới mẻ trong "Sát thủ online", tác phẩm đoạt giải A. Nguyễn Xuân Thủy (hiện là biên tập viên NXB QĐND) chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về tác phẩm này.

Nguyễn Xuân Thủy nhận giải thưởng.

- Nhận giải vào đúng ngày sinh nhật, lại là giải thưởng trong một sân chơi văn học có khá nhiều cây bút lão làng, thành công này là tình cờ?

- Quả thật trước nay tôi cũng chưa có hình dung gì về đề tài này. Tôi viết "Sát thủ online" không hẳn chỉ vì cuộc thi, mà coi đây là cơ hội thử sức trong một lãnh địa mới. Với nội dung về tội phạm mạng, đề cương của tôi được duyệt, mở đường cho tôi tham dự hai trại viết, trong đó trại viết tại Sầm Sơn 2008 là nơi quyết định phần gốc (khoảng 80 trang) "Sát thủ online". Việc chăm chút cho tác phẩm được thực hiện rải rác sau đó, tất cả mất 3 năm để hoàn thiện. Có lẽ tôi đến với cuộc thi rất tình cờ, để rồi sự tình cờ lại mang đến cho tôi một niềm vui lớn.

- Báo chí đánh giá đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài an ninh mạng, một đề tài "thời thượng" và hấp dẫn. Nếu ai đã đọc "Biển xanh màu lá" đầy hồn hậu và trong trẻo về cuộc đời lính đảo của anh, hẳn sẽ bất ngờ với sự "gai góc" và chiều sâu day dứt trong tác phẩm mới này. Anh đã chăm chút cho ý tưởng tiểu thuyết trên thế nào?

- Đây không hẳn là vấn đề tội phạm mạng mà chính là internet và hệ lụy của nó, một câu chuyện có ý nghĩa với nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Tuy không phải là dân công nghệ thông tin, nhưng là một nhà báo, tôi cũng quan tâm ít nhiều tới vấn đề này. Nhìn nhận về internet là nhìn nhận một câu chuyện liên quan chặt chẽ tới văn hóa, gia đình..., một thông điệp về sự hiểu biết để ứng xử với internet chứ không phải để lẩn tránh nó, hoặc chìm đắm trong nó.

- Dù biết văn học được quyền hư cấu, nhưng trải nghiệm của nhà văn là rất quan trọng. Anh đã sống với đề tài này thế nào?

- Chuyến đi thực tế với lực lượng công an đã ám ảnh tôi, mà ám ảnh lớn nhất là sự vô cảm với cái ác ở người vị thành niên. Họ đã phạm đủ dạng tội, trong đó phần lớn có nguyên nhân từ internet. Tôi cũng đã tiếp xúc với các game thủ, nắm tâm lý, cách ứng xử, thuật ngữ của họ. Cũng có cậu bé sành chơi game bảo tôi "chú ơi! chú viết từ này chưa đúng!" mà không hiểu rằng tôi cố tình để nó không giống như những gì diễn ra ngoài thực tế. Tôi quan niệm chuyện công nghệ, tội phạm mạng… không phải là thứ để thu hút, đó chỉ là nền dẫn dụ để nhân vật có đời sống văn học. Tôi cố gắng xây dựng một thế giới của riêng mình, tôn trọng hư cấu, lặn sâu vào thế giới đó để lấy ra tinh thần chính của đời sống, chứ không mô phỏng đời sống.

Tôi cũng không coi các nhân vật là tội phạm, mà coi đó là con người với những số phận, tâm tư riêng.

- "Sát thủ online" có hình thức thể hiện khá mới mẻ. Đầu mỗi chương có những dòng "sapô" ngắn, tiết tấu nhanh; cuối mỗi chương là một bản tin thông tấn về các vụ án, sự kiện liên quan tới internet. Đây có phải là một cách gây hấp dẫn? Anh đánh giá thế nào về sự cố gắng đổi mới hình thức tác phẩm trong các cây bút trẻ hiện nay?

- Sapô và bản tin… có thể coi là sự dẫn dụ bạn đọc, một đoạn nghỉ, tạo âm hưởng cho tác phẩm, một đường link với đời sống. 13 bản tin như một sự đếm ngược, đến bản tin 0h là một sự sang trang. Tôi coi đây là hình thức gửi gắm thông điệp, chuyển tải hết ý đồ của mình với bạn đọc, hơn là cách gây hấp dẫn đơn thuần. Nếu bạn để ý sẽ thấy âm hưởng đồng dao ẩn hiện trong những đoạn sapô ngắn đầu mỗi chương, gắn với vùng quê và cuộc đời của Mr Mouse - cậu bé Tí, có sự xa xót, tiếc thương, day dứt chứ không giống như sapô của báo chí. Tôi nghĩ, đổi mới giọng điệu, cách thức thể hiện tác phẩm là cần thiết, nhưng đó phải là sự cộng hưởng cho tác phẩm, chứ không phải chỉ là "chiêu" hút khách. Trong một tác phẩm được giải thưởng văn học trẻ gần đây, tác giả đã sử dụng phụ chú ở cuối trang sách để tạo thêm hướng tiếp nhận thông tin. Cũng khá thú vị, song nếu lạm dụng, phụ chú quá dài tất sẽ gây mỏi mệt cho người đọc, hoặc gây rối mạch chuyện…

- Trong cuộc thi này, BTC có nhận định "nhiều tác phẩm đoạt giải đã vượt ra khỏi khuôn khổ một đề tài hạn hẹp để hòa chung vào dòng chảy văn học đương đại". Anh đã xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an thế nào để tránh lối mòn mà vẫn sinh động?


- Xây dựng nhân vật nào cũng vậy thôi, không riêng gì nhân vật chiến sĩ công an, cái khó nhất là tác giả phải cho nó một đời sống ăn nhập với tác phẩm. Trong "Sát thủ online", Đại tá Hoàng, đại diện cho thế hệ chiến sĩ đã vững vàng về tư tưởng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp, nhưng cũng đã phải đối mặt với không ít vấp váp nảy sinh từ cuộc sống gia đình hiện đại. Bên cạnh đó, nhân vật được tôi chăm chút ở tuyến hai là anh lính trẻ Khương - hình tượng người chiến sĩ nghiêm túc, trong sáng và chủ động trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là một người có hoàn cảnh cụ thể, có đời sống nội tâm sâu sắc, có những giây phút đấu tranh, đau khổ để vượt qua cám dỗ, thử thách. Nói chung, tôi đã cố gắng để nhân vật người lính vừa gần gũi, vừa thuyết phục người đọc.

- Xin cảm ơn anh! Mong tác phẩm tiếp tục thu hút bạn đọc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Internet chỉ là nền cho số phận nhân vật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.