(HNMO)- Bắc Triều Tiên hôm nay công bố đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro (bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H). Tuy thông tin này còn khiến giới chuyên gia nghi ngờ, nhưng sự kiện dường như đã gây sốc với thế giới.
(HNMO)- Bắc Triều Tiên hôm nay công bố đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro (bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H). Tuy thông tin này còn khiến giới chuyên gia nghi ngờ, nhưng sự kiện dường như đã gây sốc với thế giới.
Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm bom nhiệt hạch là để tự vệ trước Mỹ và đây là "quyền hợp pháp" của nước này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân ký sắc lệnh cho phép thử bom nhiệt hạch vào ngày 3/1 và cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ hai ngày trước sinh nhật ông, ngày 8/1.
Nếu Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ này, tức là họ đã tạo nên một bước tiến quan trọng trong khả năng hạt nhân của mình.
Sở dĩ việc Triều Tiên thử bom H khiến thế giới lo ngại là bởi loại bom này có sức công phá cực mạnh từ sự bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium. Trong loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, từ đó xảy ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát lớn hơn rất nhiều.
Thông thường vũ khí như vậy được gọi là bom khinh khí (bom hydro, bom H hay bom nhiệt hạch). Nó có thể giải thoát một năng lượng lớn hơn hàng ngàn lần so với bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản ứng nhiệt hạch có hiệu suất cao hơn phản ứng nguyên tử.
Vũ khí hạt nhân (nuclear weapon) là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hạt nhân hoặc/và phản ứng hợp hạch gây ra. Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Nếu sức công phá là 100 triệu tấn (mặc dù hiện nay chưa thể thực hiện được) thì có thể phá hủy một vùng với bán kính 100 – 160 km.
Cho đến nay, mới chỉ có hai quả bom hạt nhân được dùng trong Thế chiến thứ hai là quả bom được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 6/8/1945 có tên là Little Boy và được làm từ uranium; quả sau có tên là Fat Man và được ném xuống Nagasaki, cũng ở Nhật Bản ba ngày sau đó, được làm từ plutonium.
Hai qua bom Mỹ ném xuống Nhật Bản được gọi là bom nguyên tử (bom A) và chúng đã giết chết hơn 200.000 người
Nhưng bom hydro sử dụng nhiệt hạch còn khủng khiếp hơn nhiều. Thay vì chia các nguyên tử lớn, nó kết hợp các nguyên tử nhỏ, như hydro, để tạo thành vụ nổ hạt nhân lớn hơn, mạnh hơn hàng trăm lần.
Cho đến nay, hơn 2000 vụ nổ hạt nhân đã được thực hiện, chủ yếu là thử thí nghiệm, do các quốc gia như Mỹ, Liên Xô (Nga), Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan thực hiện. Trong đó, Mỹ là một trong những nước đầu tiên cho nổ một quả bom nguyên tử ở New Mexico vào ngày 16/7/1945.
Các nước hiện nay công bố đang sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên. Thêm vào đó, Israel luôn được cộng đồng quốc tế cho là sở hữu bom hạt nhân mặc dù nước này chưa bao giờ chính thức khẳng định hay phủ định. Iran và Syria bị Mỹ cáo buộc là có sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia cũng cho biết, hiện có từ 10.000 - 20.000 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân.
Có bốn quốc gia từng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đã từ bỏ. Kazakhstan, Belarus và Ukraina từng sở hữu một số lớn đầu đạn hạt nhân cũ từ thời Liên Xô, tuy nhiên cả ba quốc gia đã giao nộp lại cho Nga và kí vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nam Phi cũng từng sản xuất ít nhất 6 quả bom hạt nhân vào những năm 1980 nhưng đã phá hủy chúng vào đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước và tham gia NPT.
Trong khi đó, có năm quốc gia không tự sở hữu và sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng đang được chia sẻ bởi Mỹ là Bỉ, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan. Trước đây, Canada và Hy Lạp cũng tham gia chương trình này. Các quốc gia này được Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân (quyền sở hữu vẫn thuộc về Mỹ) để sử dụng cho huấn luyện và tác chiến trong các chiến dịch của NATO.
Kể từ khi ra đời đến nay, bom hydro đã chưa bao giờ được sử dụng trên thực tế, mặc dù đã có những lúc mà cả thế giới dường như là trên bờ vực đe doạ hiểm hoạ này. Điển hình là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960.
Vì khả năng tàn phá của bom H nên các cường quốc hạt nhân rất thận trọng khi sử dụng chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.