(HNMO) - Đến 6h ngày 22-5, thế giới ghi nhận 166.430.947 ca nhiễm Covid-19, trong đó 3.456.437 trường hợp đã tử vong, 147.201.396 bệnh nhân đã bình phục.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất dự án tiêm phòng Covid-19 cho 40% dân số thế giới từ nay tới hết năm 2021, và 60% dân số tới hết năm 2022. IMF dự kiến mục tiêu này sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, 35 tỷ USD do các nước giàu chi trả, 15 tỷ USD còn lại sẽ do chính phủ các nước tự chi trả thông qua các khoản vay lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất từ các ngân hàng phát triển.
Theo IMF, kế hoạch này sẽ giúp thế giới có thêm 9.000 tỷ USD từ nay tới năm 2025, nhờ việc các hoạt động kinh tế được khôi phục nhanh chóng hơn. IMF nhấn mạnh, các nước giàu sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Dự án đầy tham vọng của IMF được đưa ra trong bối cảnh báo cáo thường niên về số liệu y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số người tử vong do dịch Covid-19 có thể cao gấp 3 lần so với con số được thống kê. Theo đó, trong năm 2020, có ít nhất 3 triệu ca tử vong có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới dịch Covid-19, trong khi con số chính thức được công bố là 1,8 triệu ca tính tới cuối năm ngoái. Cho tới nay, ít nhất 6-8 triệu người có thể đã tử vong do đại dịch Covid-19, gấp ít nhất 2-3 lần so với con số khoảng 3,4 triệu ca tử vong được báo cáo chính thức.
Châu Á
Ấn Độ đối mặt với mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua. Nhà chức trách một số bang tại nước này đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là bệnh "nấm đen", ở những bệnh nhân Covid-19.
Thông thường quốc gia Nam Á này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh "nấm đen" trong vòng một năm, nhưng hiện nay, số ca mắc bệnh này tăng đột biến, đặc biệt tại các bang Gujarat và Telangana. Thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác của Ấn Độ đã phải mở các khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca bệnh này. Ước tính tỷ lệ tử vong vì "nấm đen" trong vài ngày qua ở Ấn Độ lên tới 50%.
Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng steriod liều cao để điều trị Covid-19 là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh "nấm đen". Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số bệnh viện và việc các bệnh nhân sử dụng chung đường dẫn oxy là "điều kiện lý tưởng" để nấm đen lây lan.
Tại Nhật Bản, Okinawa bị đưa vào danh sách các khu vực phải áp đặt tình trạng khẩn cấp vì số ca mắc mới Covid-19 tại đây tăng vọt trong thời gian gần đây. Với quyết định này, số tỉnh phải áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp tại xứ sở hoa anh đào đã lên tới 10 tỉnh.
Tại Đông Nam Á, dù ghi nhận số ca nhiễm giảm, Lào vẫn quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa trên cả nước tới ngày 4-6 để phòng dịch. Tương tự, Thái Lan cũng gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, đến ngày 31-7.
Trước tình trạng số ca mắc mới liên tục vượt mốc 6.000 ca/ngày trong 3 ngày qua, trong khi số người tử vong theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 50 người, Malaysia đã quyết định siết chặt hơn nữa lệnh cấm đi lại, được áp đặt từ ngày 12-5 đến 7-6, cùng những biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Châu Âu
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị không tiêm mũi thứ 2 của vắc xin AstraZeneca cho bất kỳ người nào có huyết khối với lượng tiểu cầu thấp sau khi tiêm mũi đầu tiên.
EMA nêu rõ, dù máu đông với lượng tiểu cầu trong máu thấp rất hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin, song người dân cần chủ động nhận biết các triệu chứng của việc hình thành máu đông hay tiểu cầu thấp trong vòng 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca để được điều trị chuyên khoa kịp thời. Những khuyến nghị mới sẽ được bổ sung vào thông tin sản phẩm vắc xin.
Đức bất ngờ đưa Anh vào danh sách các khu vực có biến chủng mới của SARS-CoV-2 – đồng nghĩa du khách đến từ đảo quốc sương mù sẽ phải cách ly 2 tuần nếu nhập cảnh quốc gia có nền kinh tế số một châu Âu.
Về phần mình, London dự kiến sẽ dành riêng nhà ga số 3 của sân bay quốc tế Heathrow để đón tiếp những du khách đến từ các nước trong “Danh sách đỏ” kể từ ngày 1-6.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại châu Âu đang phát huy hiệu quả, giúp số ca mắc mới tại châu lục này giảm mạnh, nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế, mở cửa lại những điểm du lịch nổi tiếng.
Tại Pháp, tháp Eiffel sẽ mở cửa đón khách từ ngày 16-7 song vẫn phải đảm bảo thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch và hạn chế người tham quan ở mức 10.000 người/ngày. Về phần mình, Hungary cũng thông báo sẽ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế còn lại ngay khi số người được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đạt 5 triệu người vào cuối tuần này.
Na Uy nới lỏng hạn chế tụ tập nơi công cộng từ ngày 27-5, đồng thời cho phép hầu hết quán bar và nhà hàng phục vụ rượu. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch nới lỏng phong tỏa toàn quốc gồm 4 giai đoạn của chính phủ nước này.
Tây Ban Nha sẽ cho phép những hành khách đến từ các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhập cảnh kể từ ngày 7-6 tới.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với 603.301 người đã thiệt mạng trong tổng số 33.856.870 trường hợp nhiễm bệnh. Xứ Cờ hoa dự kiến sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào và số đông người dân đã được tiêm phòng. Trong khi đó, nước láng giềng Canada gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến từ Ấn Độ và Pakistan thêm 30 ngày – tới ngày 21-6.
Số người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbean đã vượt mốc 1 triệu trường hợp. Trong đó, gần một nửa (hơn 446.000 trường hợp) là tại Brazil – quốc gia đang vất vả ứng phó với làn sóng bùng phát thứ hai. Hiện nay, nước này cũng đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là 6 thành viên thủy thủ đoàn của một tàu chở hàng mang cờ Hong Kong (Trung Quốc) cập cảng Maranhao (Brazil). Cơ quan chức năng Brazil đã yêu cầu tất cả thủy thủ tự cách ly trên tàu, ngoại trừ 3 người có triệu chứng nặng đã được đưa vào điều trị tại bệnh viện.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.