(HNNN) - Ùn tắc giao thông là “bài toán” khó đặt ra ở tất cả đô thị trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển. Thành phố Hà Nội cũng vậy, và trong những năm qua thành phố đã có nhiều biện pháp để hạn chế ùn tắc, đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhưng trước sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân như hiện nay, bên cạnh các giải pháp tình thế, chúng ta cần đẩy nhanh quy hoạch xây dựng, phân bố dân cư, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hợp lý thì mới có thể giải quyết vấn đề ùn tắc một cách triệt để, bền vững.
Áp lực gia tăng dân số, phương tiện ngày càng tăng
Theo Cục Thống kê Hà Nội, dân số thành phố hiện nay có khoảng hơn 8,2 triệu người, tăng 2,3% so với năm 2019. Dân số sống ở khu vực đô thị là 4,096 triệu người, chiếm 49,5%, tăng 2,4% so với năm 2019; dân số sống ở nông thôn là 4,184 triệu người, chiếm 50,5%. Với mức dân số trên, Hà Nội là nơi có số lượng dân cư đông thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.
Còn theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm (2009 - 2019) của Hà Nội là 2,22% năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (1,44%/năm). Mật độ dân số của thành phố là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. So với năm 1999 và năm 2009, mật độ dân số của thành phố tăng khá nhanh: Năm 2019 tăng 469 người/km2 so với năm 2009 và tăng 833 người/km2 so với năm 1999. Mật độ dân số khu vực thành thị năm 2019 lên tới 9.343 người/km2, cao gấp 6,7 lần so với khu vực nông thôn.
Sau 20 năm, các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy vẫn là những nơi có mật độ dân số cao nhất, tương ứng là 37.347 người/km2, 32.291 người/km2, 29.589 người/km2 và 23.745 người/km2. Những quận mới thành lập như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông do dân số tăng nhanh đã trở thành những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không thua kém các quận trung tâm. Ở khu vực nông thôn, mật độ dân số thấp hơn nội thành, chỉ là 1.394 người/km2 nhưng vẫn cao hơn so với mật độ dân số bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng (1.060 người/km2) và tương đương với thành phố Hải Phòng (1.299 người/km2), Hưng Yên (1.347 người/km2)...
So với mức dân số dự báo là khoảng 7,3 - 7,9 triệu người vào năm 2020 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ thì mức dân số hiện nay đã vượt khá nhiều, trong khi việc phát triển đô thị, đặc biệt là về phía Nam và phía Bắc sông Hồng cùng 5 đô thị chức năng gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn chưa có nhiều tiến triển mạnh mẽ. Đó thực sự là những con số “biết nói” cho thấy áp lực gia tăng dân số đang ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, trong đó có giao thông, ngày càng nặng nề.
Dân số gia tăng mạnh nhưng hiện vẫn tập trung ở khu vực nội đô. Dù nhiều khu đô thị mới đã hình thành, nhưng về cơ bản các cơ quan, đơn vị vẫn nằm trong nội đô. Và để đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại, toàn thành phố hiện có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có hơn 6 triệu xe máy, gần 900 nghìn ô tô, và khoảng 1,2 triệu phương tiện của các các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng của ô tô là 10,2%/năm và xe máy là 6,7%/năm, nhưng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,2% (tỷ lệ cần đạt là 20 - 26%).
Đáng lo ngại, hạ tầng nhiều khu đô thị mới còn thiếu đồng bộ như thiếu bãi đỗ xe, trường học, tình trạng “ở một nơi, đi làm, đi học một nẻo” khiến áp lực giao thông ngày càng nặng nề. Những khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu như: Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm... nay cũng đã quá tải. Nhiều tuyến đường mới ngày nào còn thênh thang như: Vành đai 3, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Trần Duy Hưng... gần đây thường rơi vào cảnh ùn tắc do sự phát triển quá nhanh của các chung cư cao tầng.
Phát triển đồng bộ, giãn dân cư ra các đô thị vệ tinh
Để bảo đảm giao thông, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp tình thế đem lại hiệu quả tích cực. Đó là thu hẹp dải phân cách giữa, “xén” vỉa hè để tăng diện tích lòng đường cho các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn. Đó là tiến hành xây dựng hàng loạt cầu vượt nhẹ để tránh xung đột tại các nút giao thông có lưu lượng lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm tiến hành các giải pháp trên, nhiều chuyên gia giao thông đã cho rằng, đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, về nguyên tắc thì lưu thông phương tiện cũng như dòng nước chảy, nếu không đồng bộ, bố trí dân cư không hợp lý thì khơi được chỗ này sẽ tắc chỗ khác.
Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan công sở cũng đã được nêu ra tại Luật Thủ đô năm 2012. Thế nhưng, tiến độ di dời các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học nhìn chung còn chậm. Một số cơ sở sản xuất đã được di dời nhưng “lấp” vào đó là các khu đô thị cao tầng, dân số còn nhiều hơn số công nhân trước đó. Áp lực dồn lên hệ thống hạ tầng xã hội, giao thông vốn đã nặng nay càng nặng hơn.
Để phát triển Thủ đô bền vững, theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ được tổ chức không gian đô thị theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Cụ thể, khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến Long Biên, Gia Lâm. Đây sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố Hà Nội và cả nước.
Dự báo đến năm 2030, dân số khu vực này khoảng 4,6 triệu người với diện tích xây dựng đô thị khoảng 55.200ha. Đặc biệt, 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn sẽ có những chức năng hỗn hợp và đặc thù, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Dự báo đến năm 2030, dân số tại các đô thị vệ tinh này đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu người, giảm tải đáng kể cho đô thị trung tâm. Đáng nói là ngoài về nhà ở, các đô thị vệ tinh này còn phát triển đồng bộ về sản xuất, dịch vụ, nhu cầu xã hội..., đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cư dân, từ đó giảm việc đi lại do ở một nơi, làm việc, học hành một nẻo.
Hệ thống các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ được phân bố, sắp xếp lại. Cụ thể: Xây dựng mới 3.500 - 4.500ha các khu, cụm đại học tại Gia Lâm (diện tích 200 - 250ha, đáp ứng nhu cầu cho 5 - 6 vạn sinh viên); Sóc Sơn (600 - 650ha, đáp ứng nhu cầu của 8 - 10 vạn sinh viên); Sơn Tây (300 - 350ha, đáp ứng nhu cầu của 4 - 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc (1.000 - 1.200ha, đáp ứng nhu cầu của 12 - 15 vạn sinh viên)... Tại khu vực nội đô sẽ tăng diện tích xây dựng các trường phổ thông và mầm non thông qua các dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, trụ sở các cơ quan...
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000 đã được phê quyệt. Và để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, phát triển đô thị, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 6170/QĐ-UBND phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Mục tiêu của chương trình là cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị quốc gia cũng như khả năng huy động nguồn lực thực tế cho từng giai đoạn 5 năm. Được biết, những kinh nghiệm xây dựng phát triển đô thị của các nước trên thế giới cũng được tổng kết để cụ thể hóa thành những mục tiêu khả thi cho Hà Nội...
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển các mô hình đô thị vệ tinh là vô cùng cần thiết để tạo bước đột phá mới cho Thủ đô. Khi các vấn đề về nhà ở, hạ tầng xã hội, môi trường sống... hoàn thành đồng bộ sẽ tạo sức hút cho nhà đầu tư và người dân, người lao động đến sinh sống và làm việc. Thực hiện hiệu quả điều đó sẽ góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.