Ngày 15/6, tại Hội nghị kiểm điểm hoạt động của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) kéo dài hai tuần qua ở thủ đô Kampala của Uganda, các nước thành viên ICC đã đạt được thỏa thuận về định nghĩa
Ngày 15/6, tại Hội nghị kiểm điểm hoạt động của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) kéo dài hai tuần qua ở thủ đô Kampala của Uganda, các nước thành viên ICC đã đạt được thỏa thuận về định nghĩa "tội ác xâm lược," kết thúc cuộc tranh luận kéo dài một thập kỷ về luật quốc tế.
Logo của Tòa án hình sự quốc tế. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Các nước thỏa thuận sửa đổi Công ước Rome về thành lập ICC, theo đó "tội ác xâm lược" được định nghĩa là "vạch kế hoạch, chuẩn bị, khởi xướng hoặc thừa hành bởi một người thực sự có quyền kiểm soát, hoặc ra lệnh tiến hành hành động chính trị hoặc quân sự của một nước, một hành động xâm lược mà theo tính chất nghiêm trọng và quy mô vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên hợp quốc."
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố hoan nghênh và gọi đó là "thỏa thuận lịch sử" về "tội ác xâm lược."
Văn bản thỏa thuận này là một bước tiến trong cuộc chiến chống lại mọi sự lẩn tránh trừng phạt và tiến tới một kỷ nguyên trách nhiệm.
Theo nghị quyết của Hội nghị Kampala, các cuộc phong tỏa cảng hoặc bờ biển của một nước bởi lực lượng vũ trang của một nước khác cũng như một cuộc xâm lăng hoặc tấn công của một nước vào lãnh thổ nước khác đều bị coi là hành động xâm lược. ICC có thể thực hiện quyền truy tố và xét xử các tội ác xâm lược.
Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có hiệu lực sau một năm có ít nhất 30 nước thành viên ICC phê chuẩn điều khoản sửa đổi nói trên. Điều đó có nghĩa là thỏa thuận chỉ có hiệu lực sớm nhất là sau năm 2017, khi các nước thành viên ICC họp hội nghị xem xét lại điều khoản sửa đổi này.
Công ước Rome hiện đã có 111 nước phê chuẩn, 37 nước ký nhưng chưa phê chuẩn. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ chưa tham gia Công ước này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.