(HNNN) - Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ là dịp sum họp, đoàn viên, mà còn mang đậm nét văn hóa tâm linh. Sau lễ cúng gia tiên tại nhà, người dân thường tìm tới đền, chùa để cầu phúc, cầu may và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Đến chốn cửa thiền vào ngày đầu năm mới, giữa không gian mùa xuân thanh tịnh, mỗi người cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa trên khắp mảnh đất hình chữ S.
Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc trong năm mới, người Việt từ xưa vẫn giữ thói quen đi lễ chùa vào ngày đầu năm, thậm chí là ngay sau khoảnh khắc giao thừa. Họ tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản là để bày tỏ ước nguyện, mà còn là để con người hòa mình vào không gian linh thiêng khiến lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Thêm vào đó, với tâm nguyện cầu mong sự tốt lành cho năm mới, người đi lễ còn xin chút lộc chùa với hy vọng mang phúc lộc, sự may mắn về cho gia đình. Lộc chùa thường là búp non vừa nảy lộc bởi theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực, do đó người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe...
Nhưng cuộc sống hiện đại cũng khiến tục hái lộc đầu xuân có sự thay đổi. Nhiều năm về trước, việc hái lộc được thực hiện với cây cối ở chùa, thậm chí là cả với cây cối trên đường về nhà thì hiện nay, tục hái lộc đã có sự khác, mang tính tích cực với công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường. Không cần phải bẻ cành, bứt lá, lộc xuân bây giờ có thể là một bao diêm, gói muối, một phong bao nhỏ chứa câu chúc may mắn do nhà chùa chuẩn bị sẵn để phát cho những người đến lễ; các phật tử có thể mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ ở cổng chùa rồi mang lộc xuân về nhà trong giờ phút đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Bác Nguyễn Ngọc Bích, trú tại phố Hàng Bút (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, sáng mùng một Tết, sau khi chuẩn bị cho lễ cúng gia tiên xong xuôi tôi đều đi lễ ở đền Ngọc Sơn. Đường phố, không gian quanh đền ngày đầu năm yên ắng, thanh bình làm tôi nhớ những kỷ niệm về thuở ấu thơ cũng thường được theo bà, theo mẹ đi lễ chùa đầu năm. Những phút giây ấy với tôi vô cùng thiêng liêng, quý giá”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, khoảnh khắc đầu năm bao giờ cũng rất linh thiêng và người ta tin rằng đi lễ vào ngày đầu năm mới đem khí thiêng của đức Phật trở về nhà, mang lộc chùa về nhà là mang sự bình an, thanh thản, may mắn về cho gia đình. Và có lẽ cũng vì thế mà tục đi lễ đầu năm được duy trì đến ngày hôm nay, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ cũng như thái độ trân trọng những giá trị thuộc về nguồn cội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.