(HNM) - Ngày 1-11-2014, Nghị định (NĐ) 83/2014/CP về kinh doanh xăng dầu thay thế NĐ 84/2009/CP có hiệu lực sẽ mở ra hy vọng khắc phục được nhiều bất cập liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Theo ông, người tiêu dùng có thể hy vọng về một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh khi NĐ 83/CP sẽ có hiệu lực?
- NĐ 83/CP có nhiều điểm mới, tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường. Những điểm mới này sẽ giúp thị trường vận hành tiệm cận với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới.
Sắp tới, người dân có quyền lựa chọn mua xăng dầu của doanh nghiệp có giá bán hợp lý nhất. Ảnh: Như Ý |
Một trong những điểm mới của NĐ là ngoài ba đối tượng tham gia thị trường chính trước đây (đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ), thì NĐ 83 đã bổ sung thêm hai đối tượng nữa là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền. Đối với thương nhân phân phối, quyền và nghĩa vụ sẽ ngang với đầu mối kinh doanh xăng dầu, được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá, nhưng không được quyền nhập khẩu xăng dầu. Thương nhân nhận quyền là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối. Những quy định mới này sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ xăng dầu.
Theo NĐ 84, giá xăng dầu do DN quyết định nhưng thực tế là do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Còn theo quy định tại NĐ 83 thì DN là đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu và thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau.
- Như vậy, tình trạng các DN nhỏ "nhìn" Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi thị trường biến động sẽ không còn? Nhưng việc có thêm hai đối tượng tham gia kinh doanh xăng dầu có khiến công tác quản lý chất lượng xăng dầu khó khăn hơn so với trước đó?
- Khi có nhiều đối tượng tham gia kinh doanh xăng dầu, nhất là sự xuất hiện của thương nhân phân phối, sự cạnh tranh giữa các DN xăng dầu trở nên dữ dội hơn, thị trường sẽ linh hoạt và minh bạch hơn, các DN sẽ không có thời gian để nhìn nhau, chờ anh lớn hơn tăng giá rồi tăng theo.
Tất nhiên, khi nhiều thành phần, đối tượng cùng tham gia kinh doanh thì việc quản lý chất lượng xăng dầu sẽ là bài toán khó. Nếu trước đây, tổng đại lý chỉ được mua của một đầu mối và đầu mối phải bảo đảm chất lượng thì tới đây tổng đại lý được phép mua của nhiều đầu mối khác nhau, rồi đầu mối lại bán cho thương nhân nhận quyền… chất lượng hàng từ điểm đầu tới điểm cuối sẽ là câu hỏi lớn. Vì vậy, các bộ: Công thương, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường phải ngồi với nhau, trên cơ sở luật pháp đưa ra hướng dẫn cụ thể về chất lượng xăng dầu mới mong quản được chất lượng mặt hàng này.
- Mặc dù có nhiều điểm đột phá so với quy định cũ, song NĐ 83 vẫn thiếu quy định về chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Ông nhận xét gì về điều này?
- NĐ 83 thiếu các điều khoản về chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, mà lẽ ra vấn đề này phải là một chương trong NĐ. Nếu chế tài xử phạt vi phạm chỉ được nêu trong thông tư hướng dẫn thôi thì e không đủ tính pháp lý. Vì vậy, tôi đề xuất cần có một NĐ về chế tài xử lý vi phạm với mức xử phạt cao để đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, NĐ 83 cũng còn một số bất cập. Đơn cử như quy định "ổn định thuế nhập khẩu". Ổn định ở đây là như thế nào, thời gian ổn định kéo dài bao lâu, rồi mức thuế suất ổn định cụ thể ra sao… thì NĐ 83 lại không nêu được. Do đó, thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 83 phải quy định rõ các mức "ổn định" của thuế nhập khẩu xăng dầu.
- Thông tư hướng dẫn NĐ 84 trước đây có nhiều điểm "vênh" dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý thị trường xăng dầu giữa hai bộ Tài chính - Công thương. Vậy thông tư hướng dẫn NĐ 83 cần phải thay đổi gì để không còn tình trạng này, thưa ông?
- Chỉ còn ít ngày nữa là NĐ 83 sẽ có hiệu lực. Nếu thông tư liên bộ về hướng dẫn thực hiện NĐ 83 không được soạn thảo và ban hành kịp thời thì NĐ 83 sẽ lại ách tắc ngay khi có hiệu lực. Bởi, tháng 12 tới các DN đầu mối sẽ phải nhập khẩu xăng dầu, họ cần biết cụ thể quy định "ổn định thuế" là như thế nào. Nếu chỉ nói chung chung thì DN không biết tuân theo quy định ra sao. Bên cạnh đó, quy định "Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập và sử dụng liên tục, thường xuyên" cũng không hợp lý. Bởi, nếu trích quỹ liên tục thì người tiêu dùng sẽ thiệt, mà xả quỹ liên tục thì DN sẽ bị ảnh hưởng. Những quy định này cần phải sớm có hướng dẫn cụ thể và điều này không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng hai bộ hợp tác với nhau để cùng xây dựng thông tư liên bộ. Nếu cả hai bộ cùng hướng dẫn thì lại chồng chéo và DN lại rơi vào thế "ngoảnh đằng nào cũng thấy vướng".
- Trân trọng cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.