Chuyện đó đây

Hy vọng cho những người mắc căn bệnh tàn phá " mô và xương mặt "

Thương Nguyệt 16/01/2024 - 15:09

Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Noma vào danh sách những căn bệnh nhiệt đới hiếm bị lãng quên đã mở ra hy vọng đối với người bệnh.

Theo The Guardian, các bệnh nhiệt đới hiếm do nhiều loại mầm bệnh gây ra và được đánh giá là “bị bỏ quên” vì người mắc đối mặt với tình trạng bị kỳ thị. Nguồn lực điều trị bệnh còn nhiều hạn chế do bệnh chủ yếu tác động đến những cộng đồng nghèo khó.

Năm 2022, Nigeria đã đề nghị đưa Noma vào danh sách bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Động thái của quốc gia này nhận được sự ủng hộ từ 31 quốc gia khác, bao gồm Burkina Faso, Costa Rica và Tây Ban Nha.

Biểu hiện đầu tiên của Noma là vết loét trên nướu có thể nhanh chóng phá hủy mô và xương mặt. Trẻ em suy dinh dưỡng từ 2 đến 6 tuổi sinh sống trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo khó có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Căn bệnh thường được mô tả là “bộ mặt của nghèo đói” có thể phòng ngừa nếu trẻ được bảo đảm dinh dưỡng và nước sạch.

Phát hiện bệnh sớm là điều cần thiết vì quá trình điều trị có hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu, có thể giúp vết thương mau lành mà không để lại hậu quả lâu dài. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ cần can thiệp bằng phẫu thuật.

Sau quá trình xem xét, WHO đã liệt kê Noma vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người. Những bệnh nhân may mắn sống sót sau khi mắc bệnh, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhóm vận động ca ngợi quyết định của WHO là thành tựu to lớn.

gettyimages-476437538-1024x1024(1).jpg
Bệnh Noma để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

Theo WHO, quyết định đưa Noma vào danh sách NTDs nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu, đẩy mạnh nghiên cứu, thu hút tài trợ và tăng cường nỗ lực kiểm soát căn bệnh này thông qua những phương pháp tiếp cận đa ngành và đa hướng.

Hiện không có dữ liệu về số trường hợp mắc Noma trên toàn cầu. Một số ước tính đánh giá con số này ở mức 30.000-40.000 ca mỗi năm, trong khi WHO nhận định, số ca bệnh có thể lên đến 140.000 ca mỗi năm.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cam kết phối hợp với những quốc gia và cộng đồng bị ảnh hưởng để giải quyết các nguyên nhân gây bệnh.

Giám đốc Hiệp hội quốc tế về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (ISNTD) Marianne Comparet nhận định, quyết định của WHO tạo động lực cho những nỗ lực vận động chính sách liên quan đến nghiên cứu bệnh.

Adeniyi Semiyi Adetunji, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Nhi Noma ở Sokoto (Nigeria) cho rằng, ngành y tế sẽ đối diện nhiều thách thức do sự gia tăng số lượng bệnh nhân điều trị. Điển hình như kinh phí đào tạo chuyên gia về Noma, vì các ca phẫu thuật khắc phục những tổn thương do bệnh gây ra đòi hỏi sự tham gia của nhiều bác sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng cho những người mắc căn bệnh tàn phá " mô và xương mặt "

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.