(HNM) - Hôm nay, Nghị định 84 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá có hiệu lực. Tức là từ hôm nay, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá mà không đến mức bị xử lý hình sự, sẽ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung khác.
Hành vi tăng giá quá mức hoặc đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ có thể chịu mức phạt đến 20 triệu đồng. Vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ phạt tiền đến 30 triệu đồng. Đối với vi phạm về bình ổn giá và thẩm định giá sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Mức phạt cao nhất 40 triệu đồng áp dụng đối với các vi phạm trong hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của Chính phủ, trong trường hợp bán phá giá dịch vụ, dưới giá thành hoặc cao hơn mức giá trần do cơ quan thẩm quyền công bố.
Đáng chú ý, theo nghị định này thì doanh nghiệp sẽ bị truy thu toàn bộ phần tiền do tăng giá bất hợp lý mà có.
Tất cả những mức phạt trên là những chế tài khá mạnh, cho chúng ta cảm giác việc xử lý vi phạm về giá sẽ mạnh hơn.
Nhưng vấn đề dư luận đang quan tâm chính là cơ chế pháp luật nào đủ lực để trị sự độc quyền và liên minh độc quyền về giá, tăng giá vô tội vạ, nhất là với hàng hóa nhạy cảm như đất đai, xăng dầu, vàng... vốn từng xảy ra nhiều lần. Điều mà Pháp lệnh Giá hiện hành rõ ràng đã bất lực. Liệu Nghị định 84 có hoàn thành được bổn phận của nó hay không?
Suốt một thời gian dài, người dân và doanh nghiệp luôn thấp thỏm bởi chuyện đỏng đảnh của thị trường giá cả. Từ giá sữa, giá đường, rồi phân bón, thức ăn chăn nuôi, đến giá xăng, giá thép, giá vàng... liên tục biến động bất thường theo chiều hướng tăng lên, thậm chí với tốc độ "phi mã" đã ảnh hưởng không nhỏ đến cả kinh tế vĩ mô và vi mô. Đã có 15 mặt hàng thiết yếu phải đưa vào diện bình ổn giá, phải đăng ký giá.
Thực tế là những bất cập trong hành lang pháp lý về quản lý giá dẫn đến việc chưa kiểm soát được tình trạng tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật. Tình trạng độc quyền, hay liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá ở một số lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng xảy ra như cơm bữa. Chuyện tin đồn làm thị trường chao đảo vẫn tồn tại. Nhiều kẻ hám lợi vẫn tự ý nâng giá đầu vào, tăng giá đầu ra làm giảm khả năng cạnh tranh; rồi những hiện tượng lợi dụng sự biến động của giá thị trường, chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để "làm giá", tăng giá không hợp lý chưa được kiểm soát tốt. Điển hình như thị trường vàng, hay bất động sản thời gian qua.
Một thực tế nữa làm ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng chính là việc giá một số hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường. Chính những điều này đã làm méo mó hệ thống giá trong nước.
Rõ ràng, những chế tài hành chính của Nghị định 84 sẽ không thể đủ sức mạnh để chế ngự "con ngựa giá bất kham". Và nghị định này sinh ra cũng không phải để "ôm" hết những việc ấy. Về bản chất, Nghị định 84 chỉ quản lý giá gốc, giá nơi sản xuất. Trong khi lại chưa thể bao được phần phân phối. Tức là vẫn để ngỏ khâu trung gian, vốn là khâu tăng giá mạnh nhất và vô tội vạ nhất bấy lâu nay.
Nhưng dù sao, có còn hơn không. Trước khi Luật Giá được ban hành. Có lẽ người tiêu dùng nên tiếp tục hy vọng vào... "sự thông thái" của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.