(HNM) - Nằm trong chương trình "Món quà Ôxtrâylia tặng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" triển lãm "Nghệ thuật đương đại của vùng đồi Balgo" được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến hết ngày 12-5 sẽ đưa khán giả tới những câu chuyện huyền thoại về vùng đất ít người biết tới.
Thật thú vị là tranh của những nghệ sĩ này có rất nhiều điểm tương đồng với mỹ thuật dân gian vùng Tây Nguyên nước ta. Đối với không ít người xem, triển lãm này mang tới những cảm giác mới mẻ và có cái nhìn sâu hơn về lịch sử, cách sống của người thổ dân ở Ôxtrâylia. Bởi mãi đến đầu những năm 1990, nghệ thuật đương đại của họ mới được giới nghệ thuật trong nước và thế giới chú ý đến. Balgo, nơi xuất thân và sinh sống của 18 nghệ sĩ mang tranh tới triển lãm là một vùng đất hẻo lánh và khắc nghiệt ở xứ sở Kangaroo. Người dân vùng đồi này muốn đến được các thành phố nhiều người biết tới như Perth phải vượt qua 1.800km hay Darwin là 800km. Họ vẫn sống gần gũi và phụ thuộc vào thiên nhiên như ông cha của họ đã sống hàng ngàn năm trước.
Các nghệ sĩ thổ dân Ôxtrâylia biểu diễn tại Triển lãm “Nghệ thuật đương đại của vùng đồi Balgo”. Ảnh: Sơn Văn |
Nghệ thuật của những người thổ dân này đã có từ khi xuất hiện bộ tộc. Chúng không chỉ mang tính trang trí mà còn là một cách để ghi lại lịch sử, truyền lại kinh nghiệm sống cho thế hệ sau. Các hình thể và nét vẽ của người họa sĩ Balgo trông có vẻ sơ sài hay trừu tượng nhưng lại mang nhiều triết lý và là biểu trưng cho một sự kiện, một nhân vật, một điểm địa lý nào đó rất quan trọng đối với người thổ dân. Như những bức tranh được giới thiệu trong triển lãm đã kể lại câu chuyện về những cuộc đi săn, vùng sa mạc khan hiếm đột nhiên có nước, sự thay đổi của thiên nhiên, các con vật, các thành viên trong gia đình và các câu chuyện thần thoại lý thú... 26 tác phẩm nghệ thuật khổ lớn trong triển lãm không chỉ nhắc lại mô típ và chất liệu của cha ông truyền lại, những nghệ sĩ còn dùng các chất liệu hiện đại như màu acrylic trên toan, hay axit để khắc trên gỗ và đá. Về màu sắc, những bức tranh rất tươi sáng, rực rỡ, giàu sức sống. Có thể thấy được cách sử dụng màu xanh đậm cho bầu trời không một gợn mây; màu đỏ, vàng và nâu tượng trưng cho nền đất sa mạc nóng bỏng, khắc nghiệt; màu xanh khỏe khoắn của rừng già đều rất linh hoạt và đẹp mắt.
Điều thú vị là khán giả Việt Nam xem tranh có cảm giác như đây là sự biến tấu, cách điệu những đường nét trang trí thổ cẩm trên viền áo, khăn, váy của các dân tộc vùng Tây Nguyên nước ta. Những bố cục đầy nhạc tính: mạnh mẽ, dứt khoát, linh thiêng, thô mộc như tiếng trống cổ vậy. Điểm tương đồng rõ nét giữa hai nền văn hóa - nghệ thuật này là biểu hiện triết lý cội nguồn, vì cộng đồng, tôn kính và hòa hợp với thiên nhiên đất mẹ.
Xem tranh của thổ dân vùng đồi Balgo, có thể thấy được rõ ràng triết lý, tôn giáo, cách sống, sự hòa hợp và quý trọng đối với thiên nhiên cũng như thế giới của người thổ dân. Điều đáng quý là những người thổ dân này luôn trân trọng truyền thống nhưng rất biết cách hòa nhịp với hiện tại tạo nên ấn tượng về sự bùng nổ của nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.