(HNM) - Từ năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường kiểm tra rà soát tình hình sản xuất, xóa các lò gạch thủ công trên địa bàn TP. Sau hơn hai năm thực hiện, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc xóa bỏ lò gạch thủ công của huyện Thạch Thất vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sau khi có chỉ thị của TP, huyện Thạch Thất đã tập trung tuyên truyền, triển khai đến các xã và đã giải tỏa được 50 lò gạch, ngói thủ công. Đến nay, huyện còn 10 xã có lò gạch thủ công với tổng số hơn 70 lò. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Nguyên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu xóa lò gạch thủ công tại các địa phương trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở địa phương rất lớn vì huyện có 18 vạn dân, tốc độ đô thị hóa nhanh kết hợp trên địa bàn có nhiều dự án lớn của TP và của huyện như dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường Đại học Quốc gia... Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải thực hiện nhiều dự án xây dựng cơ bản như kiên cố hóa trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn...
Lò gạch thủ công tại Phùng Xá (Thạch Thất). |
Hiện nay, vật liệu không nung để thay thế gạch ngói nung ở huyện còn chưa phổ biến, trên địa bàn huyện mặc dù đã có một số đơn vị sản xuất gạch không nung (bê tông bọt) nhưng chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm. Một số công trình đã sử dụng loại vật liệu này nhưng chất lượng chưa cao, giá thành tổng thể cao hơn gạch sản xuất truyền thống nên chưa được người dân tin dùng. Mặt khác, các lò sản xuất gạch, ngói thủ công là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nên việc giải tỏa không dễ. Bởi vậy, một số xã còn lúng túng trong việc giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống cho người lao động. Đặc biệt, huyện có làng nghề sản xuất ngói Kim Quan chuyên xây dựng và phục hồi, tu bổ các công trình di tích lịch sử đang triển khai ở khắp các địa phương nên nhu cầu về vật liệu này rất lớn. Ngoài nghề làm ngói từ bao đời nay, người lao động ở đây không có nghề nào khác nên để xóa bỏ lò ngói ở đây cần phải có lộ trình vì liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn người dân.
Là xã đầu tiên của huyện cơ bản hoàn thành việc xóa lò gạch thủ công, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Đỗ Khắc Thành cho biết, để giải tỏa được 31 lò gạch thủ công không phải đơn giản bởi ở thời điểm xóa lò gạch có những hợp đồng ký với chủ lò chưa hết hạn. Tuy nhiên, việc xóa lò gạch phải làm quyết liệt mới có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường và cháy hỏng hoa màu của người dân. Theo ông Đỗ Khắc Thành, điều quan trọng nhất trong xóa bỏ lò gạch thủ công là tập trung chuyển đổi nghề cho người lao động và giúp các chủ lò có hướng sản xuất kinh doanh mới. Thực tế, xã có thuận lợi là có nghề truyền thống làm đồ gỗ nên các hộ sản xuất gạch đã chuyển sang làm nghề khác như buôn bán vật liệu xây dựng, buôn bán đồ gỗ và kinh doanh vận tải.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Nguyên cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo lộ trình huyện Thạch Thất sẽ giải quyết dứt điểm việc này. Thạch Thất đang quy hoạch các khu vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có sản xuất gạch ngói nung và vật liệu không nung ở 19 xã vùng đồi gò và 3 xã miền núi, chất đất ở đây tương đối tốt để phát triển gạch không nung. Hiện nay, các xã đang tiến hành xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ cho sử dụng loại gạch không nung để người dân thấy được hiệu quả trong thực tế.
Tuy nhiên, khi giải tỏa các lò gạch thủ công, ông Trần Đức Nguyên đề nghị TP cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, chủ lò gạch thủ công đầu tư xây dựng chuyển đổi sang lò tuynel và sản xuất gạch ngói không nung bằng hình thức vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, miễn hoặc giảm tiền thuê đất. Đồng thời có chính sách đãi ngộ đối với địa phương như cấp chi phí phá dỡ trong việc xóa lò gạch thủ công; chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ mới để sản xuất gạch, đào tạo nghề... để từng bước giúp các xã xóa bỏ triệt để lò gạch thủ công trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.