(HNMO)- Thông tin về việc xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch trên địa bàn huyện được ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết chiều 19/7.
.
Nhiều người dân tin tưởng vào trứng gia cầm sạch trong siêu thị |
Báo cáo về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) đến tháng 6/2016, trên địa bàn, ông Hoàng Mạnh Phú nhấn mạnh đây nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến việc cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển của huyện.
Đến nay, 17/22 xã của huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013-2015 đều có từ 17-19 tiêu chí đạt trở lên. Các tiêu chí cơ bản đạt đều nằm trong nhóm tiêu chí cần nhiều kinh phí như cơ sở vật chất văn hoá, trường học và môi trường. Huyện đang đặt mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 9/2017, tất cả 22 xã trên địa bàn sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM.
"Trong quá trình xây dựng huyện NTM, huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm đến hai yếu tố là bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân và đời sống văn hoá, tinh thần, tính cấu kết cộng đồng được nâng lên" - ông Phú cho biết.
Trong đó, để giúp người dân bảo đảm thu nhập, huyện chỉ đạo phát triển gần 2.000 ha vùng lúa chất lượng cao, gần 500 ha rau an toàn; gần 300 ha bưởi vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận nhãn hiệu bưởi tập thể Phúc Thọ. Gần đây, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng, giống, vốn để đẩy mạnh thế mạnh trồng hoa, cây cảnh tại hai xã Tam Thuấn và Tích Giang.
Gần đây, huyện đã mời gọi đầu tư để đang xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch trên địa bàn với các thiết bị được nhập khẩu từ châu Âu. Số trứng gia cầm sạch sau xử lý sẽ được cung cấp rộng rãi trên địa bàn toàn TP Hà Nội.
Để nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân, nhiều nhà văn hoá đã được xây dựng, là nơi người dân tập dưỡng sinh, tập thể thao, hưởng thụ các giá trị văn hoá cộng đồng, nâng cao tính gắn kết.
"Đầu tư từ ruộng trở vào để nông dân có lợi thế, được hưởng thụ - đó là sự đầu tư đúng hướng. Nhờ vậy, huyện Phúc Thọ đã vươn lên trong nhóm 5 huyện đứng đầu về xây dựng nông thôn mới của TP" - ông Phú khẳng định.
Về công tác dồn điền đổi thửa, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, trong 2 năm 2012-2013, đã thực hiện được trên 3.700 ha ở 20/22 xã, thị trấn, đạt 100% kế hoạch TP. Sau dồn điền đổi thửa, một số vùng sản xuất tập trung được hình thành, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được phát triển và mở rộng.
Hiện nay các xã trên địa bàn huyện đang kê khai lập hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Huyện phấn đấu trong năm 2016 cơ bản cấp xong giấy cho nhân dân sau dồn điền đổi thửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.