Sáng 13-10, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
Chương trình gặp mặt nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp và động viên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông tin tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có 1.043 doanh nghiệp đang hoạt động, 50 hợp tác xã; 6.860 hộ sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho lao động của huyện và đóng góp cho ngân sách của huyện hơn 82 tỷ đồng. Các doanh nghiệp phát triển cũng đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện trong 9 tháng năm 2023 đạt 6.010 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mặt bằng sản xuất, từ năm 2020, huyện Phúc Thọ đã được UBND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư 6 cụm công nghiệp: Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp giai đoạn 2, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng nguồn vốn đầu tư 1.994,9 tỷ đồng. Đến nay, các cụm công nghiệp này đang tập trung giải phóng mặt bằng, một số nơi hoàn thành giải phóng mặt bằng đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, huyện tiếp tục đề nghị thành phố thành lập phê duyệt thêm các cụm công nghiệp: Tích Giang, Sen Chiểu, Võng Xuyên 2...
Đối với các làng nghề, huyện quyết định thành lập Ban vận động Hội làng nghề may Tam Hiệp và Hội làng nghề mộc Triệu Xuyên, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận danh hiệu “làng nghề” đối với làng nghề mộc Triệu Xuyên, xã Long Xuyên; mộc Hát Môn, xã Hát Môn; cắt may làng Táo, xã Tam Thuấn; xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và các năm tiếp theo trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.