Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Phú Xuyên: Tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa

Quỳnh Dung| 30/03/2012 07:50

(HNM) - Phú Xuyên là huyện thuần nông sản xuất nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả, năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm đang ngày được cải thiện.


Để nâng cao mức sống cho nông dân, huyện đã chọn dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành cánh đồng mẫu lớn và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Chiêu cho biết, xác định rõ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của huyện là ruộng đất manh mún (trung bình mỗi hộ có từ 20-25 thửa) khó có thể tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 2001 huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về DĐĐT với mục tiêu tích tụ ruộng đất làm nền tảng cho việc quy hoạch các vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Mặc dù đã qua hai lần dồn đổi ruộng nhưng đến năm 2005, trung bình mỗi hộ vẫn còn 6-7 thửa ruộng. Vì vậy, Phú Xuyên coi DĐĐT là việc làm trước mắt, làm cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế của huyện và xây dựng NTM.

Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, quá trình DĐĐT ở huyện gặp không ít khó khăn bởi sắp hết hạn điền nên chính quyền và người dân có tư tưởng trông chờ, nghe ngóng chính sách mới, không mặn mà vào cuộc. Mặc khác, hạ tầng cơ sở giao thông thủy lợi, tưới tiêu ở mỗi xứ đồng cao thấp khác nhau nên những hộ có điều kiện canh tác thuận lợi không muốn dồn đổi ruộng. Ở một số xã, việc quản lý đất đai trong thời gian trước chưa chặt chẽ, để lại những tồn tại phức tạp. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát ở các địa phương, giúp các xã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nên công tác DĐĐT triển khai khá tốt. Đến nay qua 3 lần thực hiện, toàn huyện đã dồn đổi được 6.800ha/10.300ha, đạt 66% diện tích đất nông nghiệp. Hiện huyện Phú Xuyên đã có 3 vạn/5,2 vạn hộ gia đình đang sử dụng từ 1 đến 2 thửa và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ số diện tích này, huyện đang tập trung xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn (RAT) ở các xã Minh Tân và Quang Lãng; mở rộng dự án nuôi trồng thủy sản ở Chuyên Mỹ, Hồng Thái và Văn Nhân. Ông Trần Bá Cao, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp ở xã điểm NTM Đại Thắng cho biết, nhờ hoàn thành DĐĐT xong gần 300ha, địa phương đã quy hoạch được vùng lúa chất lượng cao với diện tích 100ha cho lợi nhuận cao hơn trồng giống lúa thông thường tới 20 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc dồn đổi ruộng cũng đã giúp xã thu hồi được tiền nợ đọng sản phẩm nhiều năm; giải quyết được tình trạng lấn chiếm đất tồn tại từ trước và còn dành được 20ha thuộc quỹ đất công để quy hoạch các công trình hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà văn hóa, khu đất đấu giá nhằm tạo nguồn lực xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Chiêu nhận định: DĐĐT là vấn đề khó vì liên quan đến quyền lợi của rất nhiều hộ. Để việc dồn đổi ruộng thành công phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định như ổn định nhân khẩu và diện tích như trước khi có Luật Đất đai 1993. Giữ ổn định diện tích đất ở các thôn, đặc biệt là quỹ đất l và tuyệt đối thực hiện theo quy hoạch xây dựng NTM đã được nhân dân bàn bạc và cấp chính quyền phê duyệt mới có tính khả thi và cho hiệu quả cao. Việc dồn đổi ruộng phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ bàn bạc trong Đảng, trong dân để tạo sự đồng thuận cao trên tinh thần tôn trọng người có ruộng. Đặc biệt, vai trò của cán bộ xã, thôn là đặc biệt quan trọng trong việc vận động nhân dân và triển khai công việc mới đạt kết quả tốt.

Bí thư Huyện ủy Trương Thế Cầu cho biết, huyện xác định tạo đột phá trong xây dựng NTM bằng DĐĐT nên trong năm 2012 sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác này, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn và đưa cơ giới hóa vào ruộng đồng từ khâu làm đất tới khâu gặt để nâng cao năng suất, rút bớt lao động nông nghiệp sang làm việc khác. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình DĐĐT, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt, giao kế hoạch cho các xã, đôn đốc kiểm tra và hỗ trợ kinh phí trong công tác DĐĐT. Các tổ công tác của huyện sẽ trực tiếp về xã để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cho cán bộ xã đi tham quan học tập kinh nghiệm. Để tạo điều kiện cho công tác DĐĐT thành công, huyện đề nghị TP có hướng dẫn về sử dụng quỹ đất thừa vượt 5% để quản lý có hiệu quả, đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để động viên các địa phương làm tốt. Hiện nay, Phú Xuyên đã hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng NTM ở 14 xã giai đoạn 1 (2010-2015) và đang chỉ đạo các xã dồn lực cho công tác DĐĐT, tạo nền móng vững chắc cho triển khai xây dựng NTM. Các xã còn lại đang vừa lập quy hoạch xây dựng NTM, vừa tiến hành DĐĐT. Huyện phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành việc DĐĐT và đây chính là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện thành công xây dựng mô hình NTM trong thời gian ngắn nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phú Xuyên: Tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.