Hàng nghìn hộ dân ở huyện Mỹ Đức có nguy cơ bị ngập nhà ở; hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp có thể bị mất trắng, giảm năng suất nếu xảy ra mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về... Nhận diện các nguy cơ, Mỹ Đức đã và đang chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Mỹ Đức là một trong những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do địa hình chuyển tiếp từ vùng núi, trung du xuống đồng bằng nên thường xuyên phải đối diện nguy cơ ngập lụt vì mưa lớn, lũ rừng ngang...
Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng, những năm qua, huyện Mỹ Đức và thành phố đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm bơm cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp, như: Đốc Tín, Xuy Xá, Phù Lưu Tế 1, Vạn Phúc, Yến Vỹ và An Phú…
“Do xây dựng đã lâu, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu nên hiệu suất những trạm bơm này hiện chỉ đạt 55-60% công suất thiết kế. Nếu xảy ra mưa lớn từ 200 đến 300mm trong 3 ngày kết hợp lũ rừng ngang đổ về, hàng nghìn héc ta lúa, nuôi trồng thủy sản của huyện sẽ bị ngập sâu, gần 1.000ha thuộc vùng trũng các xã: An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hồng Sơn có thể bị mất trắng...”, ông Đoàn Văn Thắng nhận định.
Ngoài nỗi lo mất mùa, hàng nghìn hộ dân ở các xã: Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Tiến, An Phú... còn đối diện nguy cơ ngập úng nếu xuất hiện lũ rừng. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Đinh Công Võ cho biết: “Nếu xảy ra mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ vào, các thôn: Đồng Chiêm, Ái Nàng, Đức Dương, Phú Thanh, Đồng Văn, Nam Hưng với khoảng 1,2 nghìn hộ dân của xã khó tránh khỏi nguy cơ bị ngập lụt, cô lập trong nhiều ngày".
Bên cạnh yếu tố bất lợi về địa hình, hạn chế về cơ sở hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác phòng chống thiên tai ở địa phương. Đó là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn huyện còn tư tưởng chủ quan; xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ)...
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang yêu cầu các đơn vị, địa phương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt theo đúng phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, xã đã lập kế hoạch phòng, chống thiên tai chi tiết cho từng vùng sản xuất, khu vực; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách...
“Đến thời điểm này, An Phú đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn; chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm (lương thực, nước uống, nến thắp sáng...) phục vụ người dân vùng tránh lũ trong 7 ngày...”, ông Bùi Văn Chuyện thông tin.
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến Trần Văn Phiu khẳng định, xã đã làm việc với xã Thanh Cao (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) để xác định cụ thể khu vực sinh hoạt cho người dân Hợp Tiến đến tránh lũ.
Còn tại xã Hợp Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hai cho hay, xã đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai với 100 người, cử 12 người chuyên tuần tra, canh gác đê Mỹ Hà. Bên cạnh đó, xã đã chuẩn bị 250 cây tre, 1.000 bao tải, 350m3 đất và 450m3 cát để chống tràn đê Mỹ Hà... Ngoài ra, xã còn đã thành lập các tiểu ban chịu trách nhiệm về giao thông liên lạc, sơ tán dân, phục hồi sản xuất...
Cùng với các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức đã xây dựng phương án ứng phó 4 tình huống mưa lớn bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt khu dân cư; kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử hệ thống tiêu úng...
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều khẳng định, trong tháng 7 và 8, huyện sẽ kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với tình huống sát với thực tiễn, qua đó rút kinh nghiệm, củng cố hoàn thiện phương án, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân...
Ngoài nhiệm vụ trên, huyện giao cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều phòng chống thiên tai; chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực ban, tuần tra nghiêm túc, báo cáo kịp thời để xử lý hiệu quả các sự cố đê điều, thủy lợi...
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” cùng với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó sẽ giúp huyện Mỹ Đức có thể hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.