(HNMO) - Sáng 20-10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND) trên địa bàn huyện Gia Lâm. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, huyện Gia Lâm đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo các nhiệm vụ với hệ thống giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của huyện; huy động được sự tham gia, đồng tình của nhân dân và hệ thống chính trị.
Giai đoạn 2013-2021, huyện đã tập trung, chỉ đạo quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa, gồm: Mở rộng Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; xây dựng mới 8 trung tâm văn hóa - thể thao xã; 68 nhà văn hóa kết hợp cải tạo sửa chữa 87 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; tu bổ, tôn tạo 77 di tích lịch sử xuống cấp; đầu tư xây dựng 5 vườn hoa, sân chơi; kè 17 ao, hồ với tổng kinh phí hơn 1.646 tỷ đồng.
Huyện cũng quan tâm quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, sân chơi cho trẻ em và nhân dân trên địa bàn tại các khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Gia Lâm thành quận. Đến nay, 100% xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố có vườn hoa, sân chơi công cộng; lắp đặt thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời tại 301 điểm với tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng; đang khảo sát tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên trung tâm huyện rộng 17ha; thực hiện kè ao, hồ làm đường dạo, chống lấn chiếm…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương của huyện tập trung triển khai thực hiện thông qua việc ban hành, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện có 156/164 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở.
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị huyện Gia Lâm xác định rõ việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tại địa phương. Qua đó, rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch văn hóa của địa phương; lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển văn hóa trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện cho phù hợp.
Ngoài đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn thiếu trên địa bàn, sửa chữa các công trình văn hóa đã có nhưng xuống cấp, huyện cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ ngân sách cho văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát các chính sách của thành phố liên quan đến phát triển văn hóa; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc cần đề xuất UBND thành phố để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế hoạt động của Nhà văn hóa huyện Gia Lâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.