Ngày 24-1, UBND huyện Đan Phượng tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2023 và phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự hội nghị.
Năm 2023, phong trào thi đua yêu nước của huyện Đan Phượng có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới, sáng tạo, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đều khắp các lĩnh vực, góp phần động viên cả hệ thống chính trị thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Cụ thể, năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện Đan Phượng ước thực hiện 19.150 tỷ đồng, đạt 100,06% kế hoạch, tăng 12,23% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 1.584 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 110% so với dự toán thành phố; thu nhập bình quân ước đạt 78 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng so với kế hoạch giao); thêm 3 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nâng tổng số xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện lên 15/15 xã; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 1 trường; duy trì kết quả không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng – quân sự địa phương.
Với những nỗ lực trong năm 2023, nhiều tập thể, cá nhân trên toàn huyện đã được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Trong đó, 1 tập thể được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho 5 tập thể, công nhận 18 danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và tặng Bằng khen cho 33 tập thể và 31 cá nhân… Trong năm, UBND huyện Đan Phượng cũng khen thưởng 1.215 tập thể và 3.401 cá nhân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chúc mừng thành tích của huyện Đan Phượng trong năm qua, đồng thời gợi ý huyện cần tập trung giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp, những vấn đề thực tiễn; cần phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua rộng khắp trên các lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan, đơn vị, địa phương. Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá hoặc giải quyết những vấn đề nóng, phức tạp của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương...
Quá trình thực hiện, huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các chủ đề, phong trào thi đua trọng tâm cần tập trung trong năm; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; cần đánh giá, lựa chọn tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, tạo sự lan tỏa, cổ vũ, động viên; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, tập thể, cá nhân ở các cấp cơ sở; quan tâm phát hiện và khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.