Xã hội

Huyện Ba Vì tăng tốc... cấp “sổ đỏ”

Kim Nhuệ 31/10/2023 - 07:42

Hơn 13.000 thửa đất ở và hơn 5.800 thửa đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý, khai thác nguồn lực đất đai.

Từ thực tế này, huyện Ba Vì đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt tạo chuyển biến trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân.

co-quan-chuyen-mon-cua-huye.jpg
Cơ quan chuyên môn của huyện Ba Vì giao ban với các xã, thị trấn về kiểm điểm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp “sổ đỏ” cho người dân, tháng 10-2023.

Nhiều bất cập trong quản lý đất đai

Năm 1988, gia đình ông Phạm Khắc Hòa và 16 hộ dân ở xóm Đẵm 1 (thôn Vật Lại 3, xã Vật Lại) được địa phương giao đất giãn dân. Làm nhà, sinh sống gần 35 năm trên thửa đất được giao, nhiều gia đình ở đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Sau nhiều lần kiến nghị và mòn mỏi chờ đợi, gia đình ông Hòa và một số người dân trong thôn vừa được nhận sổ đỏ, vào tháng 6 vừa qua.

Không riêng Vật Lại, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì còn nhiều trường hợp chưa được cấp sổ đỏ. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, trên địa bàn 31 xã, thị trấn hiện còn 5.829 thửa đất nông nghiệp và 13.036 thửa đất ở chưa được cấp sổ đỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam khẳng định, huyện rất quan tâm đến công tác cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, do nhiều bất cập nên tiến độ chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, huyện Ba Vì chưa có bản đồ địa chính. Tài liệu duy nhất hiện nay để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận là bản đồ được đo vẽ trong giai đoạn 1986-1991. Nhưng bản đồ này lại chưa được nghiệm thu, có độ chính xác không cao và chưa khép kín, dẫn đến công tác quản lý và thiết lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ bị thất lạc nên thiếu cơ sở xác nhận nguồn gốc đất.

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tại các xã, thị trấn còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa quyết liệt. Công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn thụ động, trông chờ hướng dẫn của thành phố, chưa linh hoạt vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn, chưa kịp thời đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, một số hộ dân trên địa bàn huyện chưa nhận thức rõ ràng về quyền và nghĩa vụ trong công tác đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ.

Quyết liệt đến tận cơ sở

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh đánh giá, việc chậm cấp sổ đỏ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai...

Vì vậy, tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trên địa bàn huyện mới đây, Bí thư Huyện ủy Ba Vì chỉ đạo các cấp, các ngành của huyện phải xác định công tác cấp sổ đỏ cho nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong lĩnh vực quản lý đất đai. Các đơn vị, địa phương phải chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và cấp sổ đỏ; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy khâu “lập hồ sơ” làm khâu đột phá.

Trước đó, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý đất đai. UBND huyện Ba Vì đã ban hành đề án quản lý đất đai, giai đoạn 2022-2025; giao chỉ tiêu hoàn chỉnh hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu cho nhân dân; coi đây là kết quả đánh giá thi đua của các tập thể, cá nhân.

Thực hiện các chỉ đạo trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Ba Vì đã phân công cán bộ xuống cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn thiết lập hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ. Hằng tuần, hai cơ quan trên tổ chức giao ban với các cụm xã, thị trấn để kiểm điểm tiến độ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các xã, thị trấn thành lập tổ công tác làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai, thiết lập hồ sơ đăng ký đất đai, gửi đến Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Ba Vì để cấp sổ đỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Hoàng Văn Thành cho biết, huyện giao cho xã đến cuối năm 2023 phải hoàn chỉnh hồ sơ để cấp 50 sổ đỏ lần đầu. Để hoàn thành chỉ tiêu trên, xã đã phân công 2 công chức địa chính xuống nhà văn hóa các thôn hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ. Tính đến ngày 26-10, có 14 hộ gia đình trên địa bàn xã Vạn Thắng đã được cấp sổ đỏ. Cơ quan chuyên môn của xã đã hoàn chỉnh và nộp 11 hồ sơ về huyện; đang xét hồ sơ 19 trường hợp. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho rằng, nhiều khả năng xã sẽ hoàn thành chỉ tiêu cấp sổ đỏ năm 2023.

Tương tự cách làm trên, công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các xã, thị trấn ở Ba Vì. Tuy nhiên, theo phản ánh của các xã, thị trấn, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều trường hợp được UBND cấp xã, hoặc hợp tác xã giao đất ở trái thẩm quyền từ nhiều năm trước; trong khi người dân không còn giữ được giấy tờ giao đất, phiếu thu tiền, sơ đồ giao đất...

Liên quan nội dung trên, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin, huyện sẽ đề xuất UBND thành phố xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý những trường hợp này. Trước tiên, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện về lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nêu trên, Ba Vì đang tạo chuyển biến trong công tác quản lý đất đai. Kết quả đầu tiên là nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người dân trong chấp hành pháp luật về đất đai, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì tăng tốc... cấp “sổ đỏ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.