Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn Ba Vì hiện đại, văn minh

Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì 29/09/2023 - 06:23

So với các địa phương khác của Hà Nội, huyện Ba Vì gặp khó khăn hơn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bởi địa phương có diện tích lớn, nhiều xã miền núi nhất thành phố.

ba-vi.jpg
Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra, chỉ đạo phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” tại xã Đông Quang.

Vượt khó, xây nền vững chắc

Đặc biệt, thời điểm Ba Vì bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (năm 2010), bình quân mỗi xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí và 31 xã chưa có đồ án quy hoạch nông thôn mới. Các quy hoạch, hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; thu nhập của nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố; số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao…

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì đã ban hành các nghị quyết chuyên đề. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, như: Triển khai đồng loạt đến 30 xã và 1 thị trấn, với phương châm “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được” để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tham quan, học tập các mô hình, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên cả nước; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề.

Quá trình thực hiện được triển khai đồng bộ, bài bản từ huyện tới cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua khác. Từ đó, Ba Vì đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân, tạo ra những đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường...

Hơn 10 năm qua, huyện Ba Vì đã bố trí và huy động 9.943 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố là hơn 7.481 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.783 tỷ đồng, người dân tự nguyện đóng góp hơn 329 tỷ đồng... để xây mới, cải tạo, nâng cấp hơn 1.000km đường giao thông, 400km rãnh thoát nước ở khu dân cư, 230km kênh mương; 110 trường học... Đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện có hội trường, trạm y tế; 100% thôn có nhà văn hóa... Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện không để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đồng thời, huyện triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; trong đó, tập trung dồn điền, đổi thửa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...

Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác lợi thế phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng... Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện ngày càng cao, thu nhập của người dân Ba Vì năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010)...

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã có 30/30 xã được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh.

Xây dựng nông thôn hiện đại, nâng cao đời sống

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ba Vì phấn đấu duy trì nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới. Đến hết năm 2025, Ba Vì sẽ có từ 10 đến 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 6% trở lên, giá trị sản xuất trên một héc ta canh tác đạt 220 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đạt 75-80 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom trong ngày...

Để nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, huyện Ba Vì tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, phát triển bền vững. Trong đó, hình thành và phát triển vùng lúa cao sản theo quy trình và công nghệ mới, có năng suất và chất lượng cao tại các xã: Sơn Đà, Tòng Bạt, Cổ Đô, Phú Cường, Tản Hồng...

Vùng sản xuất ngô tại các xã: Thuần Mỹ, Minh Châu, Tòng Bạt… Vùng sản xuất rau an toàn, rau sạch tại các xã: Minh Châu, Chu Minh, Tây Đằng… Vùng trồng và chế biến chè tập trung ở các xã: Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài. Vùng trồng hoa cây cảnh tại thị trấn Tây Đằng và xã Phong Vân...

Song song giải pháp trên, huyện tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung xa khu dân cư gắn với xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường; trong đó, chú trọng phát triển đàn bò sữa, bò lai BBB, bò lai Wagru, bò thịt, đà điểu ở các xã: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Châu...

Phát triển nuôi trồng thủy sản ở các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân và các xã có đồng chiêm trũng theo hướng thâm canh an toàn sinh học...

Để giảm ô nhiễm môi trường và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện Ba Vì sẽ huy động nguồn lực đầu tư khoảng 350 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Đồng Thái với diện tích 4ha. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, như thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất...

Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hướng dẫn nông dân tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất của Trung ương, thành phố và cơ chế của huyện; tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ cao, liên kết đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm các loại cây, con có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn nông dân ứng dụng các phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến tiên tiến và tiêu thụ sản phẩm để giảm hao hụt sau thu hoạch, tăng giá trị nông sản, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập...

Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, huyện đề xuất các cấp, các ngành đầu tư phát triển 2 cụm công nghiệp và 1 khu công nghiệp sản xuất sạch, không gây ô nhiễm môi trường với tổng diện tích khoảng 375ha trên địa bàn các xã: Vật Lại, Tản Hồng, Vạn Thắng, Phú Cường, Cam Thượng; phát triển khu vực dịch vụ hỗ trợ Khu công nghiệp Ba Vì.

Cùng với đó, huyện đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư như chợ trung tâm thị trấn Tây Đằng, cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn; hình thành từ 5 đến 8 trung tâm thương mại, siêu thị...

Để phát triển bền vững, huyện Ba Vì chú trọng bảo vệ môi trường; quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp lớn của vùng Hà Nội cũng như cả nước; phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu; cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều bảo đảm yêu cầu an toàn trong chống lũ, phát triển giao thông...

Những năm tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Song, với tinh thần “chung sức, đồng lòng” của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Ba Vì tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, làm diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại trở thành nơi đáng sống...

Ba Vì được hợp nhất từ 3 huyện: Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện (ngày 26-7-1968). Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện Ba Vì đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba... Công an huyện và 18 xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu ”Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”...

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì tiếp tục được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2018), Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (năm 2021), Cờ thi đua của thành phố Hà Nội (năm 2020, 2022), Bằng khen của thành phố Hà Nội (năm 2014, 2015, 2016 và 2017)...

Đặc biệt, ngày 4-7-2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo và công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 13-9-2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Ba Vì đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn Ba Vì hiện đại, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.