Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Ba Vì cần nhân rộng mô hình chăn nuôi đà điểu

Võ Lâm - Ảnh: Bá Hoạt| 12/06/2020 08:46

(HNMO) - Sáng 12-6, với tinh thần đổi mới phong cách làm việc, cùng với việc kiểm tra công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tại huyện Ba Vì, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đã kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện Chương trình số 02 trên địa bàn huyện Ba Vì và tham quan mô hình chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm một trang trại nuôi đà điểu tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì.

Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển rộng khắp, mô hình chăn nuôi đà điểu đang ngày càng phát triển tại huyện Ba Vì, tập trung chủ yếu tại các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh và Yên Bài. Trong đó, với hơn 30 hộ thực hiện mô hình này, Vân Hòa là xã có nhiều hộ chăn nuôi đà điểu nhất. 

Đến thăm mô hình chăn nuôi đà điểu ở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa với quy mô 400 con đà điểu, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. 

Nhận định đây là mô hình rất phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị lãnh đạo huyện Ba Vì khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng mô hình này trên địa bàn gắn với kế hoạch, quy hoạch bài bản từ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thịt đà điểu, chăn nuôi gắn với chế biến, phát triển dịch vụ ăn uống, vui chơi, du lịch trên địa bàn...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành thu hoạch cây trồng vụ xuân. Tổng đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định. Các hộ chăn nuôi lợn đang tích cực tái đàn. Tổng đàn đà điểu trên địa bàn huyện hiện có 4.000 con.

Huyện Ba Vì đã có 18/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, huyện đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 5 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 7 xã còn lại đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2020-2021 trên cơ sở nguồn vốn thành phố đã phân bổ là 5 tỷ đồng/xã. Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chí: Văn hóa, giáo dục, tạo cảnh quan môi trường ở các xã này vẫn gặp khó khăn. Huyện Ba Vì cũng đang tích cực triển khai rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới. Đến nay, huyện đã đạt 6 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt.

Cụ thể hóa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2019, toàn huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được công nhận từ 3-4 sao. 

Sau khi nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU tại huyện Ba Vì, kết luận về nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Ba Vì là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển, nhưng điều kiện còn khó khăn, có nhiều xã miền núi, đời sống kinh tế còn thấp. Trong bối cảnh nhiều thách thức, nhất là trước tác động dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều kết quả. Nổi bật là huyện đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,82%.       

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các huyện trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, Ba Vì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Huyện cần rà soát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU và tiếp tục tập trung thực hiện tốt 3 trụ cột của chương trình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.

Về phát triển sản xuất, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung phát huy lợi thế của huyện về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò, đà điểu... Tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, huyện cần duy trì tốt các xã đã đạt chuẩn; rà soát các chỉ tiêu của 5 xã trong kế hoạch năm 2020, tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu hoàn thành vào quý IV-2020, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Cho rằng số sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của huyện còn thấp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo huyện Ba Vì phấn đấu tăng thêm 25 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP trong năm nay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị huyện chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch để hình thành các vùng phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dịch vụ du lịch... gắn với tăng cường quản lý quy hoạch; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ các dự án; phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới và giữ gìn vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì cần nhân rộng mô hình chăn nuôi đà điểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.