Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động vốn đầu tư nước ngoài: Cần giải pháp tăng tốc

Hồng Sơn| 10/03/2010 07:34

(HNM) - Năm 2009, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kết quả huy động các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của nước ta vẫn đạt hơn 21 tỷ USD. Cùng với sự hồi phục từng bước của nhiều nhà đầu tư quốc tế và sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, năm nay Việt Nam hy vọng gia tăng vốn ĐTNN…

Năm 2010: Sẽ thu hút 22 đến 25 tỷ USD vốn ĐTNN?

Năm 2010, Chính phủ chủ trương huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 39,6% GDP, trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh thu hút vốn ĐTNN. Cả nước phấn đấu sẽ thu hút 22 đến 25 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái, trong đó có tính đến khả năng tận dụng cơ hội để thu hút vốn ở mức cao hơn. Riêng 2 tháng đầu năm, có 1,78 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký mới, bằng gần 35% của cùng kỳ, số vốn thực hiện đạt 1,1 tỷ USD, tăng 10%, được đánh giá là khả quan. Đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn, như dự án khu trung tâm hội nghị triển lãm, thương mại tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn hơn 900 triệu USD, dự án kinh doanh bất động sản ở TP Hồ Chí Minh trị giá 120 triệu USD... Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn ĐTNN đạt gần 5 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Noble tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Bá Hoạt

Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), các địa phương ưu tiên tiếp nhận dự án, công trình sử dụng công nghệ cao, có khả năng tạo điều kiện ban đầu là tiền đề hỗ trợ cho những ngành khác hình thành và phát triển, đồng thời có sản phẩm đạt sức cạnh tranh cao. Từ đó, khu vực kinh tế có vốn nước ngoài mới có thể phát huy sức mạnh về vốn, công nghệ, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và cả nền kinh tế Việt Nam, kết hợp tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh dòng vốn đã đăng ký đầu tư những năm trước đều ở mức cao, dự kiến vốn giải ngân trong năm nay sẽ đạt khoảng 10-11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009. Các lĩnh vực bất động sản - đô thị - du lịch sẽ tăng trưởng mạnh, thu hút lượng vốn lớn nhất ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc… Nhiều dự án ĐTNN thuộc lĩnh vực luyện thép, vật liệu xây dựng, đóng tàu, cơ khí, linh kiện máy tính sẽ từng bước lấy lại "phong độ".

Cần những giải pháp quyết liệt

Bộ KH-ĐT cho biết, năm 2010 sẽ thể hiện rõ định hướng thu hút dự án ĐTNN một cách có chọn lọc vào những lĩnh vực, ngành quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển hạ tầng cơ sở, chế biến nông sản, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa nguồn cung vốn, nhất là "gọi" đầu tư từ những đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... bên cạnh việc tranh thủ gọi vốn từ khu vực EU, Trung Đông, vốn nhiều tiềm năng, nhưng đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn.

Từ mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những tồn tại về quy định liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng nhà ĐTNN. Cơ chế hậu kiểm, giám sát và quản lý với các dự án ĐTNN sẽ được xây dựng và ban hành để tạo cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực thi có hiệu quả chức năng kiểm tra, giám sát. Theo Bộ KH-ĐT, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch phải được quy định trong một văn bản ở cấp đạo luật nhằm tránh tình trạng phát sinh nguy cơ chồng chéo, cấp phép tràn lan, khi việc cấp phép và quản lý đầu tư đã được phân cấp về các địa phương. Những yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, nước, giao thông, nhất là GPMB sẽ được từng bước tháo gỡ với sự kết hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Tăng tốc xây dựng và đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề để tăng số lượng lao động có tay nghề và kiến thức theo yêu cầu của các dự án, nhất là với những ngành "khó tính" như cơ khí chính xác, dây chuyền xử lý rác thải, lắp máy, dịch vụ hàng hải, ngân hàng, chứng khoán, tư vấn…

Được biết, Bộ KH-ĐT đang nỗ lực hoàn thành việc xây dựng thông tin chi tiết về danh mục dự án "gọi" ĐTNN giai đoạn 2006-2010; giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo, làm cơ sở cho việc "gọi" đầu tư. Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn, nâng tầm quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo cơ sở pháp lý để khơi nguồn ngoại lực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động vốn đầu tư nước ngoài: Cần giải pháp tăng tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.