(HNMO) - Ngày 25-5, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06/CTr-TU) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình 06/CTr-TU thời gian qua, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình từ nay đến cuối giai đoạn 2021-2025.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.
Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ "về đích" trước hạn
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 2 năm qua, việc triển khai Chương trình 06/CTr-TU đã được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU đã ban hành hệ thống văn bản làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình; đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phong trào của đơn vị, cụ thể hóa nội dung Chương trình thành chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương để thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình 06-CTr/TU đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I-2023 đã cơ bản hoàn thành, tiêu biểu như các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát triển thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm… Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 17 nghị quyết chuyên đề, trong đó điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người chính là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xác định mục tiêu mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.
Cũng trong thời gian này, Hà Nội tiếp tục ghi nhận những thành tựu trong giáo dục - đào tạo với việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, với 264 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi quốc gia; giành 144 huy chương, giải thưởng quốc tế.
Ở lĩnh vực du lịch, thành phố vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 - World’s Leading City Break Destination 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Trong khi đó, ở nội dung giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã tổ chức và tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác…
Bên cạnh những thành tựu, việc triển khai, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, chưa phát huy được công suất hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu thực tế; vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật của Thủ đô; một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra...
Quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình 06/CTr-TU. Tiêu biểu như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên kết quả vẫn chưa như mong muốn. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, thiếu chủ động và linh hoạt, sáng tạo; công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án còn chậm, chưa quyết liệt. Đáng lưu ý, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đơn vị chưa được tập trung, hiệu quả còn thấp, gây lãng phí tài nguyên văn hóa, con người…
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các sáng kiến, giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: Các nội dung trong chương trình rất rõ, nhưng cần chú trọng hơn về mặt thể chế. Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để biến thành công cụ pháp luật, các điều luật để nhằm huy động được các nguồn lực phát triển cho lĩnh vực văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến...
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, kết quả của Chương trình số 06-CTr/TU đến nay là sự kế thừa từ các chương trình ở các nhiệm kỳ trước và có thêm vấn đề mới do yêu cầu và chỉ đạo của Trung ương, thực tiễn của thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong thông tin, sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới...
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, đây là kết quả bước đầu và cần phải nỗ lực nhiều hơn.
“Sau hội nghị, chúng ta sẽ có thêm động lực, trách nhiệm để tổ chức triển khai, thực hiện tốt hơn. Cần tiếp tục tạo nên thay đổi toàn diện về nhận thức trong vấn đề văn hóa, con người. Thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở, với việc tham mưu cho Thành ủy ban hành một chỉ thị về xây dựng văn hóa con người Hà Nội. Cần quan tâm thực chất, hiệu quả đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 3 nhóm vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành theo chương trình, đề án được phân công, tiếp tục rà soát, đánh giá, cần có giải pháp cụ thể đối với chương trình 06/CTr-TU”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.