(HNM) -
Vị thế đầu tàu trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V cũng là dịp nhìn lại quá trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Nhiệm kỳ vừa qua, vị trí pháp lý và cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN đã được khẳng định bên cạnh việc chú trọng triển khai quản trị ĐHQGHN theo mô hình và các tiêu chí của ĐH nghiên cứu. Đặc biệt, công tác đào tạo có nhiều đổi mới, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Nhà trường đã chú trọng rà soát, quy hoạch, phân tầng chất lượng các chương trình đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng nhằm phân tầng chất lượng và hoạch định các chính sách đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển ĐHQGHN và nhu cầu xã hội. Việc quy hoạch ngành và chuyên ngành trong toàn ĐHQGHN giai đoạn 2014-2020 được hoàn thành, với 110 ngành đào tạo bậc ĐH, 168 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 137 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. 100% chương trình đào tạo các bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ đã được tiến hành rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm công nghệ - viễn thông, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bùi Tuấn |
Công tác phát triển chương trình đào tạo mới có bước tiến quan trọng. ĐHQGHN đã chú trọng mở các ngành đào tạo mới có tính mũi nhọn, liên ngành, liên lĩnh vực cao. Nhà trường đã triển khai đào tạo thí điểm các chương trình đào tạo chưa có trong danh mục của Nhà nước về một số lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, đặc biệt là các lĩnh vực liên ngành, góp phần đưa giáo dục ĐH Việt Nam dần bắt kịp xu thế phát triển của giáo dục ĐH thế giới. Từ năm 2010 đến nay, 8 ngành đào tạo bậc ĐH, 20 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 10 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ đã được mở mới, đưa tổng số chương trình đào tạo lên 353 chương trình.
ĐHQGHN đã đi tiên phong thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực. Năm 2015, ĐHQGHN chính thức triển khai phương thức tuyển sinh này đối với tất cả các ngành học ở bậc ĐH và 60 chuyên ngành sau ĐH. Đây là sự đổi mới mang tính đột phá, khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo và hội nhập, đầu tàu trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, ĐHQGHN đã ban hành cơ chế đặc thù, cho phép tuyển thẳng học sinh có thành tích học tập xuất sắc của các trường phổ thông chuyên có uy tín trong cả nước vào học bậc ĐH của ĐHQGHN; đồng thời, cho phép các học sinh xuất sắc được tích lũy trước một số tín chỉ bậc ĐH. Kiên trì thực hiện chủ trương và mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐHQGHN quan tâm đầu tư phát triển các hệ đào tạo đặc biệt như: Tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Chất lượng đào tạo của các hệ đào tạo này được các trường ĐH uy tín trong khu vực và thế giới thừa nhận.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, 2 năm liền (2013 và 2014), ĐHQGHN đã có 3 lĩnh vực khoa học nằm trong nhóm 100 và 1 lĩnh vực nằm trong nhóm 200 các trường ĐH hàng đầu Châu Á theo bảng xếp hạng của tổ chức QS. 5/6 trường ĐH thành viên có chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN, đạt 83% chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2010 đến nay, 10 chương trình đào tạo được mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) đánh giá và cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng. Sinh viên của ĐHQGHN tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 6 tháng, giữ ổn định từ năm 2010 đến năm 2012 đạt tỷ lệ trên 70%; riêng hai năm 2013 và 2014 tỷ lệ này đạt gần 90%.
Đến năm 2020, đạt tiêu chí ĐH nghiên cứu trong khu vực
5 năm tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, quá trình phát triển ĐHQGHN cũng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải có quyết tâm cao để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đã đề ra, thực hiện vai trò tiên phong và nòng cốt trong đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam. Đó cũng là việc xây dựng ĐHQGHN trở thành ĐH nghiên cứu; đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị trong ĐHQGHN với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và các đối tác nước ngoài để tạo các giá trị gia tăng và các sản phẩm độc đáo; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn; phát triển nhanh một số ngành, chuyên ngành, lĩnh vực, bộ môn, khoa và đơn vị đạt trình độ quốc tế.
Trong các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020, Đảng bộ ĐHQGHN đã đề ra mục tiêu có tỷ lệ quy mô đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, chuẩn quốc tế chiếm 17% trên quy mô đào tạo chính quy. Nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế: 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu xã hội; 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau một năm; 20% sinh viên tiếp tục học tập, nghiên cứu hoặc làm việc trong môi trường quốc tế. Mỗi năm công bố tối thiểu 600 bài báo thuộc hệ thống ISI và SCOPUS; có ít nhất 60 sách chuyên khảo tiếng Việt và 10 sách chuyên khảo tiếng Anh được xuất bản hằng năm. Có 8 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc tư vấn chính sách/năm; có 8 giải pháp KH&CN/năm; hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh, các trường phái khoa học; tỷ lệ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đạt 60%; tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư đạt 25%. Đảng bộ cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là, tăng cường các nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục, nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, góp phần giải quyết những nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia và TP Hà Nội như bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; xây dựng và phát triển nhân cách của con người Việt Nam, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển khai các nghiên cứu kinh tế vĩ mô để cung cấp luận cứ, chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định, cũng như phản biện chủ trương, chính sách, phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP Hà Nội.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực của người học, tập trung hoàn thiện phương án để toàn bộ công tác tuyển sinh theo phương thức hiện đại, được vận hành bài bản, khoa học, hiệu quả, tạo uy tín cao trong xã hội. Trên cơ sở quy hoạch ngành và chuyên ngành đào tạo, nhà trường thường xuyên rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo, nhân lực của xã hội theo hướng tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội của người học. Triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm duy trì, phát triển đào tạo các ngành khoa học cơ bản một cách bền vững. Ưu tiên đầu tư phát triển các chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược và các chương trình đào tạo liên ngành, mũi nhọn, có nhu cầu xã hội cao, lĩnh vực khoa học mới.
Trong Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V, những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ĐHQGHN giai đoạn 2015-2020 sẽ định hướng cho toàn Đảng bộ phát huy sức mạnh, huy động mọi nguồn lực để tạo sự bứt phá, phát triển ĐHQGHN đạt các tiêu chí cơ bản của ĐH nghiên cứu trong khu vực vào năm 2020, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.