(HNMO) - Vượt qua các khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô thời gian qua đã liên tục tăng trưởng. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%) và cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%). Trong bối cảnh tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước ngày càng giảm trong tổng vốn đầu tư xã hội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế.
Đây là nội dung do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, diễn ra sáng 12-10.
Theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, trong 5 năm qua, Hà Nội đã vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng lợi thế và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%) và cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD, đóng góp trên 16% GDP của cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn khoảng 2,09%.
Giai đoạn 5 năm 2016-2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020; khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng đều từ năm 2015 lên năm 2020.
Ngân sách nhà nước cùng với nguồn lực của các doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô như: Đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; các khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang được xây dựng như: Đô thị mới Tây Mỗ; Đô thị mới Gia Lâm... đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô.
Bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô đã nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ thành phố của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc huy động các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò rất quan trọng, bao gồm: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trực tiếp và gián tiếp). Việc “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển kinh tế vùng và cả nước” có ý nghĩa quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.
Cần huy động khoảng 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng phục vụ đầu tư, phát triển
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 7,5-8,0%, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển 5 năm 2021 - 2025 khoảng 3,1-3,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước ngày càng giảm trong tổng vốn đầu tư xã hội, không đáp ứng đủ để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thành phố cần tập trung huy động tất cả các nguồn lực: Từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ dân cư, từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ kêu gọi vốn ODA... để thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025.
Từ thực tiễn phát triển của Thủ đô Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã đề xuất 5 nhóm giải pháp chính để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô.
Giải pháp đầu tiên, xuyên suốt được Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số PCI. Cùng với đó, Hà Nội sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 có chất lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; quản lý chặt chẽ; bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án sản xuất, kinh doanh.
Thành phố cũng sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế.
Thủ đô Hà Nội cũng sẽ phát huy yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ yêu cầu các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể để chỉ đạo, điều hành việc huy động nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025. Các địa phương, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nguồn lực để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.