Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động đông đảo người dân, chuyên gia pháp lý

Hà Phong| 13/01/2015 06:37

(HNM) - Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến toàn dân với những đề xuất mạnh dạn, trong đó có nhiều điểm mới...

Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải có đánh giá tác động từng phương án với những lập luận cả về thực tiễn và lý thuyết để nhân dân có căn cứ, xem xét, đóng góp.

Những đổi mới quan trọng

So với luật hiện hành, dự thảo BLDS sửa đổi giữ 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều... Việc chỉnh lý, làm mới BLDS lần này dựa trên quan điểm xuyên suốt là bảo vệ và tôn trọng quyền dân sự của cá nhân. Những vấn đề trọng tâm, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đang đặc biệt muốn nhận được ý kiến đóng góp như: Quyền nhân thân; bảo vệ người thứ ba ngay trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi...

Đây cũng là những nội dung đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi với hai luồng ý kiến khác nhau. Chưa biết cuối cùng BLDS sửa đổi được thông qua sẽ nghiêng về phương án nào nhưng thực tế đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm của đơn vị có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự chính đáng. Theo hướng này, vai trò của tòa án được nâng cao với mục tiêu giải quyết triệt để các tranh chấp phát sinh. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng mà phải căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự và lẽ công bằng hay án lệ để giải quyết.

Việc người chuyển giới không được điều chỉnh các giấy tờ về hộ tịch do chưa có quy định cũng là vấn đề đã được xem xét. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng đã phản ánh nhóm này gặp khó khăn trong cuộc sống. Những trường hợp chuyển đổi giới tính và kết hôn đồng giới tạo nên nhiều ý kiến trái chiều nhưng chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Lần này dự thảo có hai phương án đưa ra trong mục thay đổi giới tính để người dân đóng góp ý kiến. Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Để cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp về quyền lập hội, quyền tự do kinh doanh, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng… và để góp phần "hiện thực hóa" địa vị pháp lý của nhóm này trong các quan hệ dân sự, dự thảo bộ luật còn quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân với 2 loại cụ thể. Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; pháp nhân phi thương mại (pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên). Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai. Trường hợp pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật thì mỗi người có quyền đại diện cho pháp nhân phù hợp với quyền, nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, dự thảo BLDS sửa đổi đã thể chế hóa và có các biện pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của quan hệ dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TƯ, Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013.

Vẫn tiếp tục lấy ý kiến người dân sau thời điểm ngày 5-4

Với mong muốn tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan và có cái nhìn đa dạng trong lĩnh hội, tiếp thu dự thảo BLDS sửa đổi, ba đầu mối tổ chức tiếp nhận góp ý là Chính phủ, UBND các cấp; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao. Tại cuộc họp mới đây về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với dự thảo BLDS sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, lần lấy ý kiến góp ý toàn dân lần này phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, huy động trí tuệ của nhân dân. Quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh yêu cầu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lặp, không in quá nhiều giấy tờ tài liệu không cần thiết, thay vào đó là ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của internet và các cơ quan truyền thông, phát thanh, truyền hình.

Theo đề xuất trước đó, thời gian lấy ý kiến góp ý cho dự thảo BLDS sửa đổi diễn ra từ ngày 15-1-2015 và kết thúc vào ngày 31-3-2015. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng, thời gian lấy ý kiến như vậy là ngắn vì đợt lấy ý kiến đúng dịp nghỉ Tết dài ngày, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo bộ luật. Tiếp thu ý kiến này, Chính phủ quyết định, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo BLDS sửa đổi sẽ diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 5-1-2015 và kết thúc vào ngày 5-4-2015. Sau đó, tổ chức, cá nhân vẫn có thể tiếp tục góp ý, gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20-9-2015.

Trong dự thảo được công bố, nhiều nội dung xin ý kiến đều đưa ra 2 phương án. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến của nhân dân, công bố công khai việc tiếp thu, giải trình việc lấy ý kiến. Yêu cầu đặt ra là ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp đã triển khai, việc cần làm hiện nay là huy động được đông đảo luật sư, luật gia, các nhà khoa học cùng tham gia phân tích những ưu nhược điểm của từng phương án. Đây là cơ sở để mọi cá nhân, tổ chức có thể nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp, giúp cho việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo BLDS sửa đổi thành công.

Bảo đảm khoa học, dân chủ, chất lượng

(HNM) - Ngày 12-1, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên địa bàn thành phố. UBND thành phố yêu cầu, việc lấy ý kiến phải được tổ chức khoa học, công khai, dân chủ, chất lượng với các hình thức phù hợp và phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong quý I năm 2015. Trên cơ sở đóng góp của các tầng lớp nhân dân, thành phố sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp với yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của Chính phủ.

Theo đó, hình thức lấy ý kiến được đưa vào dự thảo luật bao gồm việc đóng góp thông qua chuyên mục "Ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)" trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, trang thông tin của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan báo thuộc thành phố (Hànộimới, Kinh tế và Đô thị, Pháp luật và xã hội, Tuổi trẻ Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội). Việc góp ý kiến còn có thể thông qua các hình thức khác như góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tiếp nhận; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm hoặc các hình thức phù hợp khác. Việc lấy ý kiến sẽ bắt đầu từ nay đến ngày 5-4-2015.

Thành Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động đông đảo người dân, chuyên gia pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.