Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Hút'' người lao động mất việc tham gia bảo hiểm xã hội

Vũ Minh| 20/05/2023 09:30

(HNM) - Bảo hiểm xã hội tự nguyện không chỉ tạo cơ hội cho nhóm lao động tự do có điểm tựa khi tuổi già, mà còn giúp những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không bị đứt gãy an sinh khi bị mất việc làm. Do đó, thu hút lao động mất việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được các bên chú trọng triển khai.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội quận Long Biên tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân. Ảnh: Hà Hiền

Cơ chế, chính sách linh hoạt

Nhiều năm trước, người lao động không may bị ảnh hưởng về việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp khi chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, chưa đến tuổi nghỉ hưu thường phải rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, khiến họ bị đứt gãy an sinh, chịu nhiều thiệt thòi. Từ năm 2008, khi chính sách bảo hiểm tự nguyện đi vào đời sống, người lao động bị mất việc làm trong đơn vị, doanh nghiệp có thể chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nhờ cơ chế, chính sách linh hoạt, những năm gần đây, mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho hàng nghìn người hưởng chế độ hưu trí với nhóm lao động “chuyển đổi” hình thức tham gia bảo hiểm xã hội từ bắt buộc sang tự nguyện.

Ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1962, trú tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) kể: “Năm 2018, doanh nghiệp nơi tôi làm việc tinh giản lao động và tôi là một trong số 15 người bị mất việc làm. Lúc đó, tôi rất lo lắng khi mình đã đóng bảo hiểm xã hội 17 năm, mà phải nhận tiền “một lần” thì quá lãng phí. May mắn, chúng tôi được các cơ quan chức năng tư vấn nên chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sau vài năm đóng tiếp bảo hiểm, hiện nay, tôi đã có sổ hưu trí...”.

Mặc dù tính ưu việt cũng như sự linh hoạt của bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được khẳng định, nhưng chính sách này hiện chưa bao phủ đến số đông nhóm lao động bị mất việc hoặc bị ảnh hưởng về việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa hiểu rõ về chính sách, lại cần một khoản tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt, nên nhiều người lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần (trung bình mỗi năm có hơn 700.000 người hưởng) thay vì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để ở lại hệ thống an sinh.

“Tình trạng này kéo dài sẽ thu hẹp diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở cả khía cạnh người tham gia và số người hưởng lương hưu. Với người lao động, họ sẽ thiếu điểm tựa an sinh vững chắc lúc tuổi già”, chuyên gia về an sinh xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trăn trở.

Để người lao động mất việc làm vẫn có sổ hưu trí

Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút lực lượng lao động bị mất việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là yêu cầu bức thiết. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng ghi nhận gần 50.000 người bị mất việc làm cùng hàng trăm nghìn người bị giãn việc, giảm số giờ làm, giảm thu nhập… Đối tượng bị ảnh hưởng về việc làm chủ yếu là lao động phổ thông, ở độ tuổi “lỡ cỡ”, đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khá dài, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu...

Giúp người lao động bị mất việc làm vẫn có sổ hưu trí trong tương lai gần, kinh phí từ ngân sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhóm lao động đặc thù được áp dụng tương tự các nhóm lao động khác. Cùng với đó là chuỗi giải pháp đưa bảo hiểm xã hội đến với từng người lao động.

Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội phân công cán bộ, nhân viên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động tiến hành phổ biến rõ về tính ưu việt, nhân văn, những lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hình thức khác được ngành Bảo hiểm xã hội triển khai là xây dựng “gian hàng tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội” trong khuôn khổ các phiên giao dịch việc làm, ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động tại các địa phương.

Là đơn vị tiên phong triển khai mô hình này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Long Biên Lê Thị Kim Thúy cho biết, các phiên giao dịch việc làm thường tập trung nhiều người lao động có nhu cầu tìm việc, nên đây là kênh quan trọng để cán bộ, nhân viên ngành Bảo hiểm xã hội đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với đông đảo người lao động.

Dưới góc độ quản lý về chính sách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu hệ thống sàn, trung tâm dịch vụ việc làm bố trí cán bộ tư vấn về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho tất cả người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Sau khi nghe tư vấn, nhiều người lao động đã chủ động lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để ở lại hệ thống an sinh”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu cho hay.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đang phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng tăng quyền lợi, tăng hấp dẫn. Tất cả các phương án triển khai đều hướng tới mục tiêu chung nhất là tạo cơ hội cho số đông người dân có lương hưu khi hết tuổi lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Hút'' người lao động mất việc tham gia bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.