Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng về Ngày hội lớn

Hà Hiền| 02/07/2010 06:48

(HNM) - Nhìn chiếc đồng hồ đếm ngược báo còn 100 ngày đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2-7), ta thấy mừng vì sắp được sống trong khoảnh khắc lịch sử ngàn năm có một, được chứng kiến nhiều công trình mới, đẹp sắp hoàn thành.

Trước mối quan tâm của mọi người về công tác chuẩn bị cho ngày Đại lễ, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định: Sở đã và đang phối hợp với các ngành chức năng làm tốt phần việc được giao để Đại lễ thực sự là ngày hội của mọi người, mọi nhà.

Thủ đô Hà Nội đang ngày càng đẹp hơn.

Thiết thực, tránh lãng phí

Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (TL-HN) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1470 ngày 10-10-2008 với rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc diễn ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến thời điểm này, đa số hoạt động đã tổ chức đều thành công tốt đẹp như Lễ hội Đền Hùng 2010, Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Làng Sen kỷ niệm 120 Năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ nay đến Đại lễ sẽ còn biết bao sự kiện quan trọng. Những gì thật cần, phải tập trung nguồn lực để bảo đảm chất lượng, những gì có thể giản lược để tránh lãng phí là điều được quan tâm. Theo ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL thì Bộ đã đề nghị Chính phủ rút bớt 7 trong số 45 chương trình được giao (đồng diễn xếp hình, đi xe đạp vì một "hành trình xanh", xiếc nghệ thuật "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình", liên hoan các ban nhạc trẻ quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật bong bóng, lễ hội giao lưu văn hóa vùng miền các dân tộc Việt Nam, lễ hội hoa đăng và trình diễn những bài thơ tiêu biểu về TL-HN) do các chương trình này cần lượng người tham gia và nguồn kinh phí quá lớn.

Hà Nội cũng đang lắng nghe dư luận, cân nhắc hiệu quả và cách thức tiến hành các hoạt động kỷ niệm. Ông Nguyễn Khắc Lợi nói: Những người thực hiện đề án "Những hiện vật gửi tới mai sau" đã nhận được ý kiến nhiều chiều của dư luận trong thời gian qua. Đề án vẫn tiếp tục được triển khai, nhưng nội dung có sự điều chỉnh phù hợp với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và ý kiến góp ý của các nhà khoa học và nhân dân trong thời gian qua. Thay vì hiện vật, Hà Nội sẽ lựa chọn một thông điệp để gửi tới mai sau. Chiều qua, 1-7, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Hiện thành phố và các cơ quan chức năng đang xem xét nên chuyển tải thông điệp nào cho phù hợp.

Ngày hội của dân

Với mong muốn để Đại lễ là ngày hội của mọi người, mọi nhà, không gian văn hóa, nghệ thuật không chỉ tập trung ở nội thành Hà Nội mà còn trải rộng ra ngoại thành và nhiều tỉnh, thành phố khác, thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế.

Sự tham gia của người dân thể hiện ở những việc làm thiết thực hằng ngày như xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống, giữ ngõ phố xanh - sạch - đẹp... Ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết: vào dịp Đại lễ, nhà nhà, cơ quan, đơn vị, trường học sẽ treo cờ Tổ quốc, trang trí đèn hoa; các khu di tích, danh thắng sẽ được treo cờ hội, khẩu hiệu, phường phố lộng lẫy với vô vàn tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn... 21 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và 12 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội để phục vụ nhân dân với hơn 300 buổi diễn miễn phí...

Cho đến nay, cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật "Thăng Long ngàn năm văn hiến" đã nhận được 428 tác phẩm thuộc nhiều thể loại của 74 tác giả trong và ngoài nước. Thông qua chương trình "Những tấm lòng với TL-HN", nhiều tổ chức, cá nhân và kiều bào đã dành tặng Thủ đô những món quà vô giá. Ông Ngọc Minh, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có bức "Thiên Long Việt đồ", thể hiện bản đồ Việt Nam qua hình tượng 1.000 rồng vàng khắc in trên gỗ; Công ty XQ tặng bức tranh thêu hoa sen khổng lồ, Vương quốc Tây Ban Nha góp lễ hội Rồng...

Gắng công vì Đại lễ

Thời gian đến Đại lễ không còn nhiều trong khi khối công việc phải làm còn rất nhiều, song ông Nguyễn Khắc Lợi lạc quan khẳng định: Đại lễ sẽ là đại tiệc ý nghĩa và hấp dẫn thực sự. Tới nay, công tác chuẩn bị diễn ra suôn sẻ. Kịch bản 3 chương trình quan trọng nhất là Lễ khai mạc Đại lễ, Lễ mít tinh kỷ niệm 1000 năm TL-HN tại Quảng trường Ba Đình và đêm nghệ thuật bế mạc với tiêu đề "Trường ca thành phố Rồng bay" tại Sân vận động Mỹ Đình đều đã được Chính phủ phê duyệt. Nhiều chương trình đã chọn được đạo diễn, bắt đầu chọn diễn viên và lên kế hoạch tập luyện. Nhóm tổng đạo diễn nghệ thuật đêm bế mạc là nhạc sĩ Trọng Đài, nhà báo Lại Văn Sâm và đạo diễn Lê Minh Tuấn. Phần kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng cho các sân khấu lớn đã nhận được sự đăng ký tham gia của nhiều công ty uy tín, trong đó có công ty đã từng tham gia thiết kế sân khấu khai mạc Olimpic Bắc Kinh năm 2008.

Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc phục vụ ăn ở, đi lại cho khách và diễn viên đến với Thủ đô trong dịp này. Lượng khách mời sẽ được tính toán cho phù hợp với khả năng của Hà Nội. Trong trường hợp các cơ sở lưu trú quá tải, BTC sẽ huy động các cơ quan, trường học tiếp đón và sử dụng phương tiện tại chỗ để đưa đón khách.

Thủ đô cùng cả nước đang gắng hết mình vì một Đại lễ thành công tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng về Ngày hội lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.