(HNM) - Vào thời điểm kỷ niệm 5 năm ngày đón dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ), nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm được nâng cấp mở rộng NMLDDQ để hướng tới sự phát triển bền vững.
NMLDDQ đang đứng trước nhiều thách thức, với những cạnh tranh quyết liệt tại thị trường trong và ngoài nước khi những dự án lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhơn Hội, Vũng Rô, Long Sơn sắp đi vào hoạt động; nguồn cung dầu thô từ các nước Trung Đông; đó là chưa kể nếu có xuất bán xăng thì cũng bị một số nước có công nghiệp lọc hóa dầu mạnh như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản cạnh tranh. Hơn nữa, công nghệ phụ trợ trong nước còn yếu nên khi thay thế, hoặc bảo dưỡng phải phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Các sản phẩm dầu thô, xúc tác, hóa phẩm, phụ tùng, dịch vụ phải mua bằng USD trong khi sản phẩm bán trong nước bằng VND…
Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần được tiến hành ngay trong thời gian tới. |
Từ những thách thức trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp về quản lý, khoa học - công nghệ, nguồn nguyên liệu và sản phẩm... đồng thời nhấn mạnh: Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR - thuộc Tập đoàn PVN) đơn vị chủ quản của NMLDDQ cần chủ động và PVN hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý và vận hành nhà máy, nhất là với các xưởng công nghệ sử dụng bản quyền công nghệ nước ngoài. BSR chủ động kết hợp lực lượng bảo dưỡng nội tại và các nhà thầu chuyên nghiệp bảo đảm được độ tin cậy của thiết bị để có thể vận hành an toàn, ổn định. BSR phát huy tối đa nội lực và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để làm chủ công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm sản xuất ethanol thành chế phẩm sinh học…, đồng thời có những giải pháp về sản phẩm đạt hiệu quả khi áp dụng lộ trình bắt buộc sản xuất và sử dụng E5/E10 đã ban hành (tháng 12-2015 và 12-2017), tạo chênh lệch về thuế môi trường giữa xăng gốc khoáng và E5/E10. Riêng về giải pháp nguyên liệu, các chuyên gia cho rằng, cần tăng sức chứa của kho dầu thô để giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu; tăng công suất 15-20% để tận dụng đầu tư hạ tầng và thiết bị sẵn có (giảm chi phí sản xuất cố định, khấu hao và một số chi phí khác - ước tính tăng công suất lên 15%, giảm chi phí sản xuất khoảng 1,1 USD/thùng dầu thô, tương đương khoảng 50 triệu USD/năm). Nhà máy cần nâng cấp để bổ sung các sản phẩm mới (dầu nhờn, nhựa đường); liên doanh sản xuất một số sản phẩm hóa dầu nhằm tạo giá trị gia tăng và sử dụng ưu thế gần nguồn khí thiên nhiên có trữ lượng lớn (tích hợp lọc dầu và hóa dầu từ khí)…
Từ thực tế trên, lãnh đạo Công ty BSR xác định việc sớm nâng cấp, mở rộng NMLDDQ là vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết hàng đầu trong năm 2014. Dự kiến công tác nâng cấp, mở rộng nhà máy cần 6-8 năm để hoàn tất. Như vậy, nếu năm 2014 NMLDDQ tìm được đối tác, thì phải tới năm 2020-2022 việc nâng cấp, mở rộng nhà máy mới xong toàn bộ. Từ nay đến lúc đó, nguồn dầu thô đầu vào ít nhất phải được bảo đảm cung ứng ở mức đáp ứng đủ công suất thiết kế. BSR đang gia tăng tìm nguồn dầu thô phổ biến trên thế giới có thể pha trộn vào nguồn dầu thô hiện tại nhằm giảm sức ép đối với những vấn đề nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, BSR cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU) để gia tăng tỷ lệ pha trộn dầu thô vào nguồn hiện tại. Tất cả đều hướng tới mục tiêu bảo đảm ổn định, an toàn đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến khi hoàn tất nâng cấp, mở rộng nhà máy.
Theo Tập đoàn PVN, chiến lược phát triển của BSR đã được PVN phê duyệt là tiến tới cổ phần hóa. Chuyển nhượng 25-49% vốn chủ sở hữu tại BSR theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đối tác như Gazpromneft, SK Energy đang rất quan tâm tới dự án nâng cấp mở rộng NMLDDQ. Song, quan điểm của PVN và BSR là không dừng lại ở những đối tác đang có, mà tiếp tục tìm đối tác tiềm năng khác để dự án được triển khai sớm nhất. Một cơ hội đang mở ra cho NMLDDQ là việc tìm ra mỏ khí ở ngoài khơi Trung Trung bộ với trữ lượng dự báo khá lớn, đủ để phát triển một khu công nghiệp khí - điện ở Dung Quất.
Quá trình xây dựng và vận hành NMLDDQ là một quá trình lịch sử, những thử thách trong thực tiễn đã tôi luyện được một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật giỏi về chuyên môn, có ý thức kỷ luật lao động cao. Trước mắt đang mở ra những cơ hội, song cũng có nhiều thách thức, đó là chiến lược về mở rộng, nâng cấp nhà máy, tìm nguồn dầu thô nguyên liệu đầu vào, tái cấu trúc và cổ phần hóa công ty, xác định nguồn vốn khả thi để phục vụ đầu tư cho giai đoạn từ nay đến năm 2025. Trong bối cảnh hiện nay, khi các dự án lọc hóa dầu khác đã và đang được đầu tư dưới nhiều hình thức tại Việt Nam, thì những vấn đề về cạnh tranh công nghệ, nhân lực, thương mại, thị trường… ngày càng trở thành những thách thức đối với tương lai của NMLDDQ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.