Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế

Thanh Tàu| 03/12/2018 06:56

(HNM) - Để một trường đại học có chất lượng đào tạo tốt, trước hết cần bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Đây cũng là yếu tố quyết định để thu hút người học và là mục tiêu mà các trường đại học tại khu vực phía Nam hướng tới nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên.

Niềm vui ngôi trường mới

Sinh viên Lê Thị Hồng Ân (Khoa Kinh tế, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) cho hay, trước đây trường cho học tại cơ sở ở quận 1, nhưng sau đó nhà trường đã xây dựng cơ sở mới tại quận Bình Thạnh với nhiều phòng học, phòng nghiên cứu theo chuyên ngành giúp em học tập tốt hơn.

Còn giảng viên Nguyễn Minh Nhật (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, ngay sau khi biết thông tin trường đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh, nhiều giảng viên của trường rất vui vì cơ sở mới sẽ giải quyết được việc thực hành cho sinh viên... Nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị để đáp ứng cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Thời gian qua, nhiều trường đại học khu vực phía Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập. Đơn cử, năm 2017, Trường Đại học Hồng Bàng khánh thành tòa nhà cao 25 tầng với 120 giảng đường, thư viện phòng chức năng, thí nghiệm và thực hành chuẩn quốc tế, ngoài ra còn có các khu chức năng khác như khu thể thao đa năng, khu tập thể thao và tái tạo, phòng xả stress... Tổng vốn đầu tư cơ sở mới hơn 700 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Hùng Hậu, sở hữu Trường Đại học Văn Hiến, hiện đang xây dựng cơ sở đào tạo trong khuôn viên 5ha tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), dự kiến tháng 6-2019 sẽ chính thức đưa vào hoạt động.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham khảo tài liệu tại thư viện.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho hay, dự án xây dựng trường tại quận 9 có diện tích 296.249,1m2 với quy mô 7.500 sinh viên, 750 cán bộ, giảng viên và tổng mức đầu tư hơn 456 tỷ đồng.

Để có được vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn từ chương trình chính sách phát triển giáo dục đại học được vay từ Ngân hàng Thế giới, trường còn huy động từ vốn ngân sách, vốn thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ, vốn tự tích lũy của trường và các nguồn vốn khác (vay kích cầu của TP Hồ Chí Minh).

Hiện nay, với những trường chưa bảo đảm quy định về diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kiên quyết không để tình trạng một số trường thuê mướn, sau đó cải tạo thành giảng đường đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cho hay, việc trường vừa đưa vào hoạt động cơ sở mới sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên được học tập, thực hành trong môi trường chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần hỗ trợ tích cực cho nhà trường trong công tác đào tạo thế hệ sinh viên mới tự tin hội nhập quốc tế.

Tạo môi trường học tập tốt nhất

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, ngoài chú trọng về chất lượng đào tạo, trường đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư để sinh viên có một môi trường học tập lý tưởng, đạt chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế.

Đặc biệt, tháng 9-2017, nhà trường chính thức đưa vào sử dụng cơ sở An Phú Đông (quận 12) với kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng, có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo cho 15.000 sinh viên với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đầu tư 3 dự án gồm: Trung tâm Đại học Nguyễn Tất Thành phát triển công nghệ cao, Trung tâm Đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu công nghệ cao thành phố với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Ba dự án trên là một phần của dự án phát triển trường theo mô hình đại học 4.0 để tiến tới xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học đại chúng, tri thức hóa nguồn nhân lực...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, để tạo nền móng vững chắc cho tương lai, ngay từ những ngày đầu thành lập, nhà trường đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất. Theo đánh giá của tổ chức QS-Stars (Anh quốc), cơ sở vật chất của trường được tổ chức này xếp hạng 5 sao.

Kỳ vọng sẽ mang đến cho người học một không gian học tập, sinh hoạt hiện đại hàng đầu trong hệ thống các trường đại học, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh vừa khởi công xây dựng cơ sở mới tại quận 7 với tổng đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án với diện tích xây dựng 150.000m2, đáp ứng quy mô đào tạo khoảng 5.000 sinh viên.

Còn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Dự án được thực hiện năm 2016-2020 do UBND thành phố quản lý với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Để chấm dứt tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư xây dựng trường đại học trên địa bàn thành phố, mới đây, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc ký văn bản đề xuất về việc điều chỉnh quy hoạch các khu giáo dục và đào tạo tập trung trên địa bàn thành phố.

Ngay sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch với cơ cấu sử dụng đất phù hợp nhu cầu thực hiện theo hướng xã hội hóa và có các cơ chế, chính sách hấp dẫn đối với các nhà đầu tư...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.