(HNM) - Cuối năm 2017, quận Thanh Xuân tổ chức thí điểm mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phường Thượng Đình. Từ năm 2018, mô hình thí điểm này được nhân rộng sang 7 quận, huyện khác. Số tuyến phố được chọn tăng lên, đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi kiểm soát tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm một cách chặt chẽ hơn trên địa bàn thành phố.
Kể từ đó đến nay, đánh giá ban đầu cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả nhất định. Cửa hàng kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên những tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát được gắn biển nhận diện, không chỉ giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn điểm mua hàng tin cậy mà còn thúc đẩy cơ sở kinh doanh, dịch vụ thể hiện trách nhiệm cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Những cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất được tổ chức với mục đích rõ ràng: Giúp các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp về an toàn thực phẩm, và phát hiện, xử lý vi phạm. Qua đó, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên tuyến phố được chọn thí điểm mô hình không thể thờ ơ với những tiêu chí liên quan tới an toàn thực phẩm, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, thực hiện quy trình bảo quản, chế biến…
Lý thuyết và thực tế đều chỉ ra rằng, mô hình thí điểm có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại. Và, ngay cả trong trường hợp mô hình thu được thành công ban đầu, thì cũng cần kiểm tra, đánh giá thường xuyên để tìm ra điểm hạn chế, những bất cập có tính thời điểm, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục để bảo đảm thu được hiệu quả bền vững.
Thời gian qua, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại Hà Nội, đó là giải pháp thúc đẩy sự hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, là mô hình “Bữa ăn an toàn” tại siêu thị, là gắn biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn… Đó là những mô hình phù hợp, ít nhiều đều mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Nhưng ngay cả với những mô hình đó, hiệu quả bền vững chỉ có được nếu giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát được thực hiện bài bản, công khai, rõ ràng, tránh tình trạng lợi dụng “mác” cửa hàng an toàn để kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm an toàn. Nếu chỉ một “cửa hàng sạch” bị phát hiện “bẩn”, lập tức uy tín của cả chuỗi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hậu quả là vô cùng lớn bởi liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng.
Mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm làm trong sạch thị trường thực phẩm tại Hà Nội. Mô hình này có được thành công bền vững hay không, điều đó không chỉ phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sự hưởng ứng của người tiêu dùng, mà còn liên quan tới trách nhiệm quản lý, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và giải pháp hậu kiểm của cơ quan quản lý cấp trên.
Nói cách khác, sau này, khi kết thúc quá trình thí điểm mà có vi phạm xảy ra, những cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã được gắn biển nhận diện cần phải được đưa ra khỏi danh sách “an toàn”, chịu hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, duy trì các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát là yêu cầu cấp thiết và cần được nhân rộng. Nhưng rõ ràng, để đem lại hiệu quả thực sự, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, với quyết tâm cao của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người kinh doanh và mỗi khách hàng.
Làm được vậy mới thực sự bền vững, tránh như một số tuyến phố ẩm thực "kiểu mẫu" đã được quy hoạch, tổ chức trong một thời gian dài nhưng hiện vẫn chưa thực sự nền nếp bởi cách làm cũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.