Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính toán giải pháp căn cơ, bài bản, bảo đảm hiệu quả bền vững

Đình Hiệp - Hà Vũ| 31/03/2023 12:36

(HNMO) - Sáng 31-3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban trực tuyến quý I-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính - trụ sở Thành ủy Hà Nội, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Tham dự có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị ủy; bí thư các đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội... với 8.721 đại biểu tại 564 điểm cầu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị.

Trật tự an toàn giao thông, đô thị có chuyển biến nhưng chưa bền vững

Mở đầu, hội nghị đã nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn trình bày Báo cáo về tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè, lòng đường trên địa bàn thành phố. Theo đó, Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 với 3 giai đoạn. Sau khi thực hiện tuyên truyền, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết trong giai đoạn 1, từ ngày 1-3, thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tính đến ngày 25-3, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng; đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng. Số vi phạm về trật tự an toàn giao thông được xử lý tăng 29,6%, vi phạm về trật tự đô thị được xử lý tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề. “Tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, nhất là tại 12 quận đã có nhiều chuyển biến tích cực”, báo cáo nêu rõ.  

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó thống nhất danh mục tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố; nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố. Thành phố cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp nghiên cứu phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa bảo đảm cuộc sống của người dân...

Báo cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU Thành ủy khóa XVII về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31-12-2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận; hoàn thành xây dựng mới 6 công viên; đôn đốc triển khai 3 công viên khác.

UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiếp độ hoàn thành các công viên theo đúng kế hoạch. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề; đôn đốc các dự án xã hội hóa bảo đảm tiến độ...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã trình bày Báo cáo về đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn thành phố; trong đó nêu rõ, theo Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố có 595 chợ (24 chợ hạng 1, bao gồm 5 chợ đầu mối; 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3). Đến nay, toàn thành phố đã có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa. Thành phố có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo 57 chợ. Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công; 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công.

Phương tiện tăng 5%, đất cho giao thông chỉ tăng 0,8%

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhìn nhận, những nội dung giao ban được lựa chọn rất đúng và trúng; là nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân quan tâm, liên quan mật thiết đến trật tự, văn minh đô thị.

Về vấn đề quản lý, sử dụng hè, lòng đường, phố (12 ý kiến), các đại biểu cho rằng, việc ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị là rất cần thiết, có tác dụng. Song, vấn đề khó khăn nhất là duy trì bền vững trật tự lòng đường, vỉa hè. Vì thực tế, có sự bất đối xứng giữa cung và cầu giao thông tĩnh, hạn chế về chế tài xử lý và nhu cầu từ thực tiễn...

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2022, số lượng xe đăng ký mới tăng đột biến 5% với khoảng 350.000 xe, trong đó có khoảng 100.000 ô tô, trong khi đất giao thông chỉ tăng 0,8%. Đến nay, tỷ lệ đất giao thông toàn thành phố mới đạt 10,35%, cách rất xa so với mục tiêu là 20%. Đất dành cho giao thông tĩnh cũng chưa đạt 1%, hiện nay mới đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế.

Các ý kiến đều đánh giá cao 8 giải pháp được UBND thành phố đề xuất trong báo cáo; trong đó nhiều ý kiến kiến nghị thành phố sớm ban hành thống nhất phương án tổ chức quản lý, sử dụng hè, lòng đường, phố; cấp phép tạm các điểm trông giữ xe sử dụng đất dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai; đầu tư các bãi đỗ xe thông minh, cao tầng để đáp ứng nhu cầu của người dân; thực hiện đúng lộ trình giảm phương tiện vào nội đô; đưa quy định quản lý hè, lòng đường vào Luật Thủ đô (sửa đổi)... 

Đối với công tác đầu tư, quản lý chợ, cho rằng tiến độ hiện nay chưa bảo đảm, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND thành phố và các Chương trình số 03-CTr/TU, số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, cần sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư cho việc xây dựng các chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Các ý kiến cũng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành sát sao với việc quản lý, nhất là bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ tại các chợ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân phát biểu tại hội nghị.

Về hệ thống công viên, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc thành phố tập trung nguồn lực khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo Kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Đối với các dự án đầu tư công viên, vườn hoa, các sở, ngành thành phố đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án công viên tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành đầu tư để đưa công viên vào sử dụng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp 4 công viên hiện có và đầu tư thêm 6 công viên. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này.

Để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, cần công khai các quy hoạch; đồng thời thống kê phạm vi rộng hơn trên toàn thành phố để có bức tranh tổng thể các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tổng hợp các ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Tóm tắt phần thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Các nội dung thảo luận lần này, nhất là công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè, muốn thực hiện được thì nhất định phải có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.

Chỉ đạo về vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch, thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể; nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp...

Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy chỉ đạo gắn với tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, nhất là quản lý an toàn cháy nổ, trật tự an ninh, an toàn, văn minh đô thị. Thành phố phải đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối nông sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ, cảng cạn; sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong chợ...

Về hệ thống công viên, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa phát triển công viên, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính toán giải pháp căn cơ, bài bản, bảo đảm hiệu quả bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.