(HNM) - Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng thể hiện rõ định hướng tăng cường xuất khẩu của nền kinh tế...
Hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu vào các thị trường lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, EU. |
Hiện nay, các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu - EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Trong đó, Việt Nam ở vị thế nhập siêu trong hợp tác thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN do doanh nghiệp Việt có nhu cầu nhập nhiều loại nguyên - phụ liệu, vật tư nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất nội địa. Ngược lại, Việt Nam đóng vai trò xuất siêu với Mỹ, EU, vì cơ cấu hàng hóa của nước ta có sự độc đáo, không tương đồng với hàng hóa của các đối tác này nên không bị cạnh tranh trực tiếp. Như vậy, có thể nhận định rằng, nếu xét về địa lý thì Việt Nam đang xuất siêu đối với thị trường xa và nhập siêu với thị trường gần.
Cụ thể, trong quý I-2019, Việt Nam nhập siêu 7,4 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc; 7,1 tỷ USD từ Hàn Quốc; 1,9 tỷ USD từ các nước ASEAN. Ngược lại, Việt Nam xuất siêu hơn 10 tỷ USD giá trị hàng hóa sang Mỹ và khoảng 6,6 tỷ USD với EU...
Từ thực tế trên, cần xác định mục tiêu tăng cường xuất khẩu của nền kinh tế, nhưng đồng thời lưu ý nhập khẩu hợp lý để thỏa mãn yêu cầu cân bằng kết quả xuất - nhập khẩu với các đối tác ở mức tối đa. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Công Thương đưa ra trong một số sự kiện khi gặp gỡ đại diện các thị trường lớn kể trên. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hướng tới cân bằng, lành mạnh hóa cán cân thương mại giữa Việt Nam và các đối tác lớn là một mục tiêu quan trọng; được Việt Nam cũng như các đối tác hướng tới. Thực tế, Bộ Công Thương và đối tác Trung Quốc đã từng đề cập, nhất trí việc Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách cởi mở để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang nước bạn; từ đó từng bước giảm mức độ nhập siêu trong quan hệ song phương.
Mới đây, các hãng hàng không Việt Nam đã ký văn bản ghi nhớ để chuẩn bị nhập khẩu hàng loạt máy bay với các công ty sản xuất máy bay của Mỹ, trị giá hơn 21 tỷ USD. Rõ ràng, điều này đã thể hiện mối quan tâm, cũng như hướng tới nguyên tắc hài hòa trong giao thương quốc tế, tiến tới sự cân bằng giữa các đối tác quan trọng với nhau. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, nhiều thế mạnh như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, điện thoại và linh kiện... Từ năm nay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được thực thi sẽ là cơ hội để nông sản và sản phẩm sữa các nước có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu sẽ diễn ra theo hướng đan xen, không tập trung một chiều như trước.
Về phía doanh nghiệp cũng nên có những cách tiếp cận, tính toán phù hợp khi tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu. Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh), cần hiểu rõ và đúng mức về hiệu quả, nhất là hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng khi xuất khẩu các mặt hàng. Ví dụ, doanh thu xuất khẩu hàng dệt may mỗi năm của Việt Nam là lớn, nhưng vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên - phụ liệu nhập khẩu nên cần phát triển lĩnh vực này ở trong nước để hạ giá thành đầu vào, giảm tình trạng nhập khẩu, đồng thời gia tăng lợi nhuận từ sản xuất đến xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.