(HNM) - Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả với các thị trường đã phát triển, các đối tác ký Hiệp định Thương mại tự do, thì việc đẩy mạnh tiếp cận, khai thác các thị trường mới tại châu Phi, như: Nam Phi, Mozambique và các nước lân cận là hướng đi mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đa dạng hóa thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Sức mua lớn
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, thời gian qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã không ngừng được mở rộng. Các đối tác thương mại chính của Việt Nam tại châu Phi là Nam Phi, Ghana, Ai Cập, Algeria, Maroc, Nigeria... Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều nhân...), hàng hải sản (cá tra, ba sa, tôm...), hàng vật liệu xây dựng...
Hiện nay, các mặt hàng nói trên của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường châu Phi và được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi đó, các nước châu Phi có nguồn nguyên liệu dồi dào (như bông, gỗ, dầu khí, kim loại quý…), nhưng trình độ khai thác, chế biến tại nhiều nước còn hạn chế. Vì vậy, chính phủ các nước châu Phi luôn kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ…
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Riêng với Hà Nội, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nam Phi gồm: Máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, hóa chất, gỗ và nguyên liệu gỗ, cùng một số sản phẩm khác như hạt điều, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường này tính đến đầu tháng 6-2019 đạt hơn 9,5 triệu USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, nhưng so với kim ngạch nhập khẩu của Nam Phi trị giá 75 tỷ USD/năm, thì giá trị xuất khẩu của thành phố Hà Nội vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong lượng hàng hóa Nam Phi nhập khẩu mỗi năm.
Thông tin thêm về thị trường Nam Phi, bà Lại Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) cho biết: “Nam Phi là thị trường có nhu cầu cao đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống siêu thị bán lẻ Nam Phi không những chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn phục vụ nhiều quốc gia lân cận. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam ký kết cung ứng hàng hóa được cho hệ thống siêu thị Nam Phi, đồng nghĩa với việc phục vụ thị trường châu Phi có 1,2 tỷ dân với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.500 tỷ USD. Nói cách khác, Nam Phi chính là cửa ngõ để doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào châu Phi”.
Đẩy mạnh quảng bá hàng Việt
Với mục đích tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt là hàng hóa của doanh nghiệp Hà Nội đến với người tiêu dùng Nam Phi nói riêng, thị trường châu Phi nói chung, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội và hơn 10 doanh nghiệp Hà Nội tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế Nam châu Phi 2019 (SAITEX 2019) tại Nam Phi vào cuối tháng 6-2019; đồng thời, tổ chức hoạt động kết nối với doanh nghiệp Nam Phi và Mozambique.
Nhằm quảng bá sản phẩm Hà Nội tới người tiêu dùng châu Phi, tại hội chợ SAITEX 2019, ngoài các gian hàng giới thiệu sản phẩm của từng doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức khu gian hàng của thành phố Hà Nội “Hà Nội Pavilion” giới thiệu hình ảnh, ấn phẩm, sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hà Nội tới người tiêu dùng và doanh nghiệp Nam Phi. Đồng thời, tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi - Mozambique...
Trở về từ hội chợ, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết: “Tại hội chợ lần này, chúng tôi đã giới thiệu các mặt hàng đồ gia dụng như nồi cơm điện, bếp từ thương hiệu Sunhouse... được khách hàng Nam Phi yêu thích. Công ty đang triển khai các nội dung để ký hợp đồng thương mại với đối tác Nam Phi”.
Chia sẻ kinh nghiệm mở rộng phát triển tại thị trường Nam Phi nói riêng, châu Phi nói chung, bà Lâm Lệ Chi, Giám đốc Công ty TNHH Panoramas Commodities (chuyên xuất, nhập khẩu nông sản và các loại hàng hóa khác) cho rằng: “Để có thể thành công tại khu vực này, doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số đặc trưng như: Khó khăn về địa lý, độ tin cậy trong các giao dịch thanh toán, cách thức thanh toán, xác minh năng lực khách hàng... và hơn hết là sự kiên trì, quyết liệt cần có đối với mỗi doanh nghiệp xuất khẩu”.
Có thể thấy, việc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại Nam Phi không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm, mà còn là cơ sở để hỗ trợ những thương hiệu hàng Việt tiến sâu hơn vào thị trường Nam Phi trước mắt và thị trường châu Phi về lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.